Dịch vụ công trực tuyến chưa thu hút người dùng

10:09, 26/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh cùng các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch dịch vụ công (DVC) trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ sử dụng dịch vụ này vẫn còn khiêm tốn.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều sở chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến

Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh là nơi các sở, ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp đến giao dịch, tiếp nhận hồ sơ, TTHC và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Nơi đây, mỗi ngày thu hút khá đông tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC. Cùng với nâng cao tinh thần phục vụ, các sở, ngành còn đưa 207 dịch vụ mức độ 3 và 87 dịch vụ mức độ 4 vào phục vụ, nhằm rút ngắn thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4 còn thấp.

 

Người dân giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo thống kê từ Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, từ đầu năm đến nay, trong 49.726 hồ sơ được tiếp nhận thì chỉ có 5.299 hồ sơ giao dịch trực tuyến (chiếm 10,6%). Trong đó, cao nhất là Sở Công thương với 1.715/6.306 hồ sơ (đạt 27%); tiếp đến là Sở NN&PTNN với 1.907/7.196 hồ sơ (26,5%)... Một số sở, ngành có số hồ sơ trực tuyến thấp như Sở VH-TT&DL: 2/460 hồ sơ, Sở Tài chính: 1/542 hồ sơ... Thậm chí, có nhiều đơn vị chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến nào như các Sở: KH&CN, TN&MT, Nội vụ, Xây dựng,Y tế.

Người dân chưa sẵn sàng

Theo Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ HCC tỉnh Nguyễn Thanh Hoài, số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến trong 9 tháng qua tuy thấp, nhưng như vậy cũng đã cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Như năm 2018, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ đạt gần 5% tổng số hồ sơ thuộc các TTHC có liên quan và chủ yếu hồ sơ phát sinh từ DVC trực tuyến của các Bộ, ngành chuyên môn triển khai (Tư pháp, KH&ĐT). Hầu như không có hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến đối với các DVC trực tuyến của tỉnh đã xây dựng.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Trân cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung nhiều giải pháp về tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn việc sử dụng DVC trực tuyến, nhưng tỷ lệ hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến chỉ hơn 10%.

Nguyên nhân của việc này là do trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị CNTT của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn còn hạn chế và thiếu, gây khó khăn trong việc tiếp cận các DVC trực tuyến. Ngoài ra, về mặt chủ quan, người dân vẫn chưa thay đổi thói quen mang hồ sơ giấy đi giao dịch, muốn trực tiếp giao dịch, còn có tâm lý lo ngại về an toàn thông tin khi sử dụng DVC trực tuyến.

“Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua DCV trực tuyến, đáp ứng yêu cầu đặt ra thì trước hết, công tác thông tin tuyên truyền phải làm liên tục, thường xuyên. Các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến của mình”, ông Trân nhấn mạnh.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 

.