Nhiều bất cập ở Chợ đêm Quảng Ngãi
Kỳ 3: Chợ đêm Sông Trà vi phạm Luật Đê điều

03:08, 19/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Những bất cập ở Chợ đêm Sông Trà trên đường Tôn Đức Thắng, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa dừng lại khi hàng nghìn cây xanh, cây trang trí, tạo hình, diện tích thảm cỏ đã và đang bị “xâm hại” nghiêm trọng. Đáng báo động hơn, việc việc xây dựng các hàng quán, tự ý khoan giếng trên đê đã vi phạm Luật đê điều.
Cây xanh, thảm cỏ “kêu cứu”
 
Khu vực đê bao đường Tôn Đức Thắng, Xí nghiệp Công viên- Cây xanh (đơn vị trực tiếp thực hiện, thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi- PV) duy trì trồng, chăm sóc cho khoảng gần 20.000m2 thảm cỏ, gần 800 cây tạo hình, hơn 1.500m2 cây trang trí và hơn 600 cây xanh.
 
“Màu xanh” được duy trì ở đây giữ một vai trò vô cùng quan trọng với chức năng cải thiện khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng giá trị thẩm mỹ của cảnh quan đô thị  khu vực đê bao. Người dân và du khách khi đến đây tham quan, dạo mát, vui chơi được thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp, bầu không khí của quê hương núi Ấn, sông Trà. 
 
Nhiều thảm cỏ bị chết khô tại khu vực Chợ đêm Sông Trà
Nhiều thảm cỏ bị dẫm nát, chết tại khu vực Chợ đêm Sông Trà
 
Thế nhưng, hoạt động của các hộ kinh doanh đã và đang khiến cho bộ mặt của thành phố, biểu tượng của quê hương trở nên xấu xí hơn khi vành đai cây xanh nói chung đang bị xâm hại nghiêm trọng. 
 
Nguyên dân phổ biến là do hằng ngày các hộ dân buôn bán nước giải khát đã đặt bàn ghế, mắc võng nằm trong thảm cỏ, cây xanh, ngang nhiên dẫm đạp, vứt rác bừa bãi, gây mất vệ sinh.
 
Rồi các hộ dân bán quán nhậu, ăn uống trên dưới đê bao Sông Trà dựng lều trại, dùng dây kẽm cột neo vào các cây liễu tạo hình làm hư hỏng tán cây, để tủ hàng và những vật dụng buôn bán đè lên thảm cỏ. Họ còn vô tư mắc, nối điện tạm bợ trên thân cây.
 
Nguyên nhân còn do nhiều người không ngại đổ các loại nước dơ bẩn, vứt rác bừa bãi vào các gốc cây trang trí, thảm cỏ. 
 
Phải rất khó khăn, nhân viên Xí nghiệp
Phải rất khó khăn, nhân viên Xí nghiệp Công viên- Cây xanh mới tiếp cận và chăm sóc được cây xanh

 

 
Nhiều cây xanh, thảm cỏ cháy khô, thiếu sức sống từ sự thiếu ý thức của các hộ dân. Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế, hiện ra trước mắt là hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn của các quán kinh doanh ăn uống. Lọt thỏm trong mỗi quán là hàng nghìn cây xanh tưởng như đang được che chắn nhưng ngược lại thì đang bị “bức tử” đến xót lòng. 
 
Anh Bùi Thanh Tâm- Tổ trưởng Tổ số 3- Xí nghiệp Công viên- Cây xanh bức xúc: Phần lớn các quán đều lắp cố định như nhà ở của gia đình, làm cho việc tiếp cận tưới nước cho cây khó khăn, nhất là cây xanh trồng dưới vạch phân cách đê bao. Để tưới được các hàng cây tại khu vực buôn bán của các hộ dân, chúng tôi phải rất vất vả. Từ khu vực xe bồn chở nước đến cây xanh cần tưới chưa đầy 20m nhưng lại cần đến khoảng 50m ống. 
 
“Chưa hết, muốn kéo được ống phải luồn lách qua nhiều vị trí khó khăn. Ngày trước, trong vòng 30phút là tưới 100m. Bây giờ, muốn tưới được phần diện tích này thì phải mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí là kéo dài thêm. Hơn nữa, còn có nhiều vị cây xanh không thể tiếp cận được, năng suất lao động không đạt như hiệu quả mong muốn. Chán lắm!”, anh Tâm lắc đầu.
 
Nhiều quán không ngại đổ chất thải, bẩn vào các gốc cây xanh
Nhiều quán không ngại đổ chất thải, chất bẩn vào các gốc cây xanh
 
Đồng quan điểm với anh Tâm, anh Trần Nguyên Hồng, 28 tuổi, nhân viên Xí nghiệp Công viên- Cây xanh cũng đang làm việc tại Tổ số 3 bức xúc không kém. 
 
Đang cặm cụi nhổ bỏ luống cây trang trí trơ trọi gốc, anh Tâm than thở: “Những cây này mới trồng có nữa tháng mà đã chết quéo rồi đây. Nguyên nhân là do nhiều người đến với Chợ đêm Sông Trà vào buổi tối đã chạy xe vào đậu đỗ không đúng qui định và dẫm nát chúng. Nhiều diện tích thảm cỏ, cây trang trí ở đây chết dần dần thành tửng mảng lớn theo các lối đi, các khu vực có đông người tụ tập”.
 
Vi phạm Luật Đê điều
 
Trao đổi với chúng tôi, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), ông Võ Quốc Hùng cho biết, công trình Đê bao TP. Quảng Ngãi gồm tuyến đê Bắc và tuyến đê Đông do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đã xây dựng hoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Quảng Ngãi quản lý, sử dụng từ năm 2003.
 
Các quán nhậu, ẩm thực xây dựng trên đê đã vi phạm
Các quán nhậu, ẩm thực trên đê bao sông Trà của Chợ đêm Sông Trà đã vi phạm Luật Đê điều
 
Nhiều năm qua, trên tuyến đê Bắc, (cách cầu Trà Khúc số 1 khoảng 300m về phía tây), nhiều hộ kinh doanh ăn uống đã tự ý xây dựng trái phép các hạng mục như: tôn cao cơ đê bằng vữa xi măng, bê tông thêm có chiều dày từ 5 - 10cm, đổ bê tông áp bó vĩa đường đê bao để tạo đường lên vỉa hè và làm nhiều bậc dân sinh trên mái đê, lót gạch men lên nền đê…
 
Phần lớn các hộ kinh doanh tại Chợ đêm Sông Trà đã tự ý khoan giếng để phục vụ cho quán mình
Phần lớn các hộ kinh doanh tại Chợ đêm Sông Trà đã tự ý khoan giếng để phục vụ cho quán mình

 

Những giếng khoan phá cả lớp bê tông của Đê bao sông Trà
Những giếng khoan phá cả lớp bê tông của Đê bao sông Trà
 
Đáng lo ngại nữa là tình trạng khoan giếng phổ biến ở khu vực Chợ đêm Sông Trà. Cứ một quán nhậu, ẩm thực là một giếng khoan. Việc tự ý khoan giếng trên khu vực đê là đáng báo động, bởi nó gây nên sạt lở bờ đê sông Trà. Đây là tuyến đê bảo vệ cho cả TP.Quảng Ngãi vào mùa mưa lũ.
 
Việc tự ý xây dựng trái phép trên đã vi phạm Điều 7, Luật Đê điều: Nghiêm cấm “Xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”- Ông Võ Quốc Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi khẳng định.
 
Đã nhiều lần kiến nghị
 
Trước việc thảm cỏ, cây xanh bị xâm hại, hằng tuần, hằng tháng, nhân viên Xí nghiệp Công viên- Cây xanh đều phải tưới nước và tranh thủ trồng dặm thường xuyên khi trời có mưa. Mỗi lần thi công lại, đều phải dọn rác trước vì ô nhiễm môi trường cũng là điều đáng báo động tại đây... Song song đó là tuyên truyền, nhắc nhở, trao đổi nhẹ nhàng đến các hộ dân để họ có ý thức hơn vì bộ mặt chung của người dân, thành phố Quảng Ngãi.
 
“Thế nhưng đâu rồi lại vào đó. Nhiều lần phản ánh thì có khi bị các hộ dân kinh doanh phản ứng mạnh, thậm chí hành hung, đe dọa. Nhân viên ở khu vực Tổ số 3- Khu đê bao phải làm việc gấp đôi với các khu vực khác” anh Tâm lại thở dài ngao ngán.
 
Trao đổi với chúng tôi về những bất cập thời gian qua, Phó Giám đốc Xí nghiệp Công viên- Cây xanh Nguyễn Viết Thạo cho hay, tình trạng các hộ dân lấn chiếm vành đai cây xanh để kinh doanh, buôn bán ở khu vực Chợ đêm Sông Trà, đơn vị đã nhiều lần gửi đơn, kiến nghị đến UBND, Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất của TP.Quảng Ngãi trong nhiều năm qua. Mục đích là nhằm duy trì chất lượng các công trình cây xanh, tránh tình trạng trên diễn ra, gây khó khăn trong quá trình làm việc cho nhân viên.
 
Mới đây nhất, từ công văn đề nghị của Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi cách đây một tháng, UBND TP.Quảng Ngãi đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng này trước ngày 10.8 nhưng đến nay tình trạng này vẫn đang tiếp diễn... 
 
“Về lâu dài, chúng tôi rất mong UBND TP.Quảng Ngãi, các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Mặc dù hiểu rõ các hộ dân cũng vì mưu sinh mới “bất chấp” như vậy nhưng chúng ta cũng cần nang cao ý thức hơn vì bộ mặt chung của thành phố”, ông Thạo chia sẻ. 
 
Còn đối với Chi cục Thủy lợi, ông Ông Võ Quốc Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, Chi cục Thủy lợi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND TP. Quảng Ngãi chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các hộ kinh doanh và yêu cầu tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép; kết quả xử lý gửi Sở NN&PTNT để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, UBND TP. Quảng Ngãi chưa có công văn trả lời.
 
Sắp tới, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo trực tiếp lên UBND tỉnh, đề xuất hướng xử lý để UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Quảng Ngãi xử lý hành vi vi phạm này. 
 
Nhóm phóng viên
------
Đón đọc kỳ cuối: Chính quyền địa phương và ngành chức năng nói gì
 

Rất nhiều lần người dân và một số đơn vị, doanh nghiệp đã có kiến nghị gửi chính quyền địa phương và ngành chức năng để phản ánh và đề nghị xử lý, chấn chỉnh những bất cập, vi phạm tại Chợ đêm Sông Trà. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Vậy chính quyền địa phương và chức năng nói gì?

 


.