Minh Long vững bước trên chặng đường mới

10:08, 21/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân huyện Minh Long đã bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết lại quê hương. Dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện vẫn luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, sau 45 năm giải phóng, diện mạo quê hương Minh Long đã có nhiều khởi sắc.

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Minh Long là chiến khu cách mạng, chịu nhiều thiệt hại bởi sự hủy hoại của bom đạn kẻ thù. Giờ đây, thay vào những hố bom năm xưa là màu xanh ngút tầm mắt của keo lai, chè bản địa; là những trang trại vườn - ao - chuồng, vườn - rừng...

Một thời gian khó

Đã 45 năm trôi qua, nhưng các già làng, cán bộ lão thành cách mạng ở huyện Minh Long vẫn không thể quên được một thời gian khó. Đó là những tháng ngày sống trong mưa bom bão đạn, là những cuộc tản cư trong nước mắt và cả những năm tháng cực nhọc của một thời đói cơm, lạt muối. Ông Nguyễn Đức Thịnh (92 tuổi), nguyên Bí thư Huyện ủy Minh Long vẫn còn nhớ như in những khu đồn, từng cuộc nổi dậy của quân và dân ta chống giặc ngoại xâm... Gần nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà mọi thứ cứ như mới ngày hôm qua.

 

 Một góc trung tâm huyện Minh Long.
Một góc trung tâm huyện Minh Long.
“Chúng tôi đã gắn bó với mảnh đất này từ những ngày gian khó nhất. Hết chiến tranh, lại tiếp tục vỡ từng miếng đất, san từng hố bom, không dễ gì mà đất này có đồng ruộng, vườn tược cây trái tốt tươi như bây giờ. Những thay đổi trong từng nếp nhà, đường sá, trên từng thửa ruộng, mảnh vườn... là thành quả qua bao ngày quyết tâm xây dựng lại quê hương của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Minh Long", ông Thịnh xúc động nói.

Đến nay, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 6.804,45 tấn; sản lượng lương thực bình quân đầu người 391,8 kg/người/năm; 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm 5/5 xã đã thâm nhập nhựa; 100% tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn được cứng hóa; 99,42% số hộ dân được sử dụng điện; 78,7% số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trung tâm huyện lỵ Minh Long  đã  được công nhận đô thị loại V; cuối năm 2019 xã đầu tiên của huyện là Long Sơn sẽ về đích nông thôn mới.
Cả một chặng đường dài đã đi qua, in dấu trong tâm trí của người cựu binh già này là niềm xúc động trước sự phát triển của quê hương. Nhiều người cùng thời với ông Thịnh, trở về làng khi nhà cửa không còn bởi đạn bom, núi đồi xác xơ, chỉ còn lại những hố bom sâu hoắm... Vậy mà họ vẫn quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ngay trên mảnh đất quê hương. Họ đã sống, hy vọng và tiếp tục đổ mồ hôi để làm xanh lại mảnh đất này, rồi hoa đã nở, cây kết trái, đời sống ngày càng được cải thiện...

Trong ký ức của nhiều người dân ở Minh Long, cảnh sống nghèo khó năm xưa vẫn còn rõ lắm, giờ nhắc lại không phải để chạnh lòng, mà càng thêm trân quý nghị lực, quyết tâm. Người dân ở mảnh đất này luôn kiên cường, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp xây dựng quê hương, để rồi gặt hái nhiều quả ngọt.

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng

Ở xã Long Môn, vùng căn cứ cách mạng núi Mum năm xưa, tầm hơn chục năm trước, hầu hết các hộ dân thuộc diện nghèo. Nơi đây từng là địa phương có nhiều "cái không": Không điện, không đường, không trường, không trạm. Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, cán bộ và nhân dân xã Long Môn đã thực hiện có hiệu quả cuộc “cách mạng” giảm nghèo, phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân đã thực hiện đa dạng các mô hình phát triển kinh tế, không còn phụ thuộc vào rừng như trước đây.

Các địa phương khác ở huyện Minh Long cũng đang từng ngày phát triển. Tỉnh lộ 628, trục đường chính nối huyện Minh Long với khu vực đồng bằng được nâng cấp, mở rộng, cùng với quy hoạch các khu dân cư, nên có nhiều nhà cửa "mọc lên", hình thành điểm cung ứng nông sản, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, những năm qua, người dân ở Minh Long, nhất là ở xã Long Môn đã quay trở lại với cây chè bản địa, nên chè Minh Long giờ đây đã xây dựng được thương hiệu.
Cây chè bản địa là cây thế mạnh của vùng núi Minh Long.
Cây chè bản địa là cây thế mạnh của vùng núi Minh Long.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến cho biết: Huyện đã đầu tư, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế. Hiện nay, địa phương chú trọng quy hoạch phát triển và trồng rừng, trong đó có chủ trương gìn giữ và phát huy giá trị của cây chè bản địa. Ngoài ra, huyện còn ưu tiên phát triển kinh tế gia trại, trang trại kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi.

Nói về cái khó đối với huyện Minh Long trên bước đường phát triển, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến cho rằng, giao thông là cái khó nhất, khiến cho vùng đất này chưa thực sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Khó vậy, nhưng không có nghĩa là huyện Minh Long không phát triển. Giá trị thương mại, dịch vụ đạt tỷ lệ đồng đều với các ngành khác. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 100 tỷ đồng. Địa phương cũng đang tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp song song với duy trì diện tích lúa, hoa màu và vườn rừng. Nhiều hộ dân trồng rừng cây nguyên liệu mang về giá trị kinh tế cao. "Ưu thế của huyện là người dân luôn chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã phát huy được sức mạnh nội lực trong nhân dân để phát triển kinh tế", ông Tiến cho biết thêm.
 Cầu Phước Giang đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cầu Phước Giang đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Những gam màu sáng ngày càng hiện rõ trên vùng cao Minh Long. Nhiều tuyến đường đã được mở rộng, kết nối các xã ở Minh Long với các xã của huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Huyện đã quy hoạch, mở rộng giao thông nhằm kết nối những địa điểm có tiềm năng để phát triển dịch vụ, du lịch như: Thác Trắng, hồ Đồng Cần, thác Sa Van...

Niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Long trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng huyện (17.8.1974 - 17.8.2019) là cầu Phước Giang chuẩn bị nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Qua đó sẽ tăng tính kết nối giữa tuyến đường ĐT 624 và ĐT 628 hai bên bờ sông Phước Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ xã Thanh An và Long Mai vào trung tâm huyện và ngược lại, mở lối cho chiến lược dài hạn hơn về phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Minh Long...

Bài, ảnh: VŨ YẾN




 

.