Hạn hán lịch sử ở miền Trung

10:07, 25/07/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Các tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi những ngày qua tình trạng cháy rừng trên diện rộng diễn ra, hàng chục ngàn hecta lúa khô cháy cùng xâm nhập mặn. Thủ tướng Chính phủ đã Công điện về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ.

Từ đầu vụ hè thu năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 9 đến 12/6 và từ ngày 20 đến 23/6 năm 2019 với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ C, một số nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiệt độ đo được cao nhất trong lịch sử.

Tổng lượng mưa từ đầu vụ hè thu đến nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn, dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20 - 60% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước. 

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Lý giải về tình trạng hạn hán, thiếu nước tại khu vực Trung Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, từ đầu tháng 6/2019 đến nay, tổng lượng mưa trung bình khu vực Bắc Trung Bộ chỉ khoảng 40mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) 61%, cùng kỳ năm 2017 - 2018 khoảng 55%. Từ Nghệ An đến Quảng Trị, lượng mưa cũng chỉ dao động phổ biến từ 10 - 27mm, thấp hơn so với TBNN cùng kỳ từ 66 - 89%, cùng kỳ 2018 từ 55 - 84%, năm 2017 từ 61 - 85%.

Đáng chú ý, các trạm Đô Lương, Nam Đàn, Vinh (Nghệ An); Kỳ Anh, Hương Sơn, Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Đồng Tâm, Kiến Giang (Quảng Bình); Cửa Việt (Quảng Trị), từ đầu tháng 6/2019 đến nay hầu hết không có mưa. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên thuộc khu vực Nam Trung Bộ lượng mưa từ đầu tháng 6/2019 đến nay cũng rất thấp, phổ biến chỉ từ 10 - 20mm.

Bên cạnh thiếu mưa, nền nhiệt độ trong khu vực Trung Bộ cũng rất cao, từ đầu tháng 6/2019 đến nay, nắng nóng xảy ra liên tục và trên diện rộng với nền nhiệt độ từ 37,0 - 40 độ C, có những nơi lên tới 41 độ C, kết hợp với gió phơn Tây Nam (gió Lào) nên bốc hơi trong khu vực rất lớn. 

Nếu năm 2018 số ngày nắng nóng là 21 thì đến năm 2019, con số này đã lên tới 36 ngày nắng nóng đằng đẵng. Cái nắng nung đốt, vắt kiệt cỏ cây, khiến chúng khô héo. Nước bốc hơi cũng rất nhanh, cứ mỗi mét vuông đất ruộng lại mất đi 5 - 7 mm mỗi ngày. Nếu nhân con số này với hàng chục nghìn ha thì ước tính lượng nước bốc hơi vào khí quyển phải lên tới hơn nửa triệu m3 một ngày. Mất nước, đất khô cằn không còn sự sống.

Đáng nói là tình trạng hạn hán sẽ còn gay gắt hơn và mở rộng thêm từ giờ đến hết vụ hè thu. Nối dài thêm danh sách Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An cũng hứng chịu hạn hán, trong đó, theo tính toán của các chuyên gia thủy lợi, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định sẽ là ba khu vực hạn hán nặng nhất.

Theo báo cáo từ các địa phương, tình trạng hạn hán đã gây thiếu nước nghiêm trọng cho vụ lúa hè thu. Nhiều hồ đập trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên xuống thấp đến mức kỷ lục, lượng nước chỉ còn từ 10 - 30%, nhiều hồ đã xuống đến dưới mực nước chết. Các sông suối cũng rơi vào tình trạng khô cạn.

Quảng Nam và Phú Yên là hai địa phương có diện tích cây trồng thiệt hại nặng nhất với khoảng 4.000 ha, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 3.000 ha. Mặc dù các địa phương đã huy động tổng lực máy bơm để cứu lúa, nhưng các khu vực cuối nguồn kênh mương vẫn bị thiếu nước. 

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cụ thể:

Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm; điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

PV

 


.