(Báo Quảng Ngãi)- Đảo Lý Sơn được ví như bảo tàng di sản văn hóa biển, đảo; có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Huyện Lý Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa, nhằm góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhân dịp huyện tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn lần thứ I-2018 (29.6 - 3.7.2018), phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh xoay quanh việc phát huy những giá trị di sản văn hóa biển, đảo ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh. |
Ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh, Lý Sơn nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, quốc phòng-an ninh, nên huyện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
PV: Xin ông cho biết rõ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống ở đảo Lý Sơn?
Ông Lê Văn Ninh: Trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, người Việt ở Lý Sơn đã tiếp thu và phát triển, tạo nên nền văn hóa có sự tiếp nối của các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng. Trên đảo Lý Sơn hiện còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa, như tế đình, tế thần; các lễ hội dồi bòng, đua thuyền, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, thờ cúng âm hồn, nữ thần, cúng cá Ông. Cùng với đó, ở Lý Sơn có nhiều di tích kiến trúc tín ngưỡng đình, chùa, miếu mạo, thờ cúng thần linh. Toàn huyện có 5 di tích lịch sử- văn hóa và danh thắng cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng... đã góp phần làm phong phú di sản văn hóa biển, đảo của Quảng Ngãi nói chung và huyện Lý Sơn nói riêng.
Đặc biệt, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống từ lâu đời của người dân Lý Sơn, thể hiện tình yêu biển, đảo; bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hằng năm, nhằm mục đích tri ân các hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã đi thuyền ra Hoàng Sa cắm mốc, bảo vệ chủ quyền; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước.
Khách tham quan Nhà trưng bày đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. |
PV: Tuần lễ Văn hóa- Du lịch Lý Sơn lần thứ I -2018 có những hoạt động gì đặc sắc, thưa ông?
Ông Lê Văn Ninh: Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn lần I-2018 được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm, đất nước con người Quảng Ngãi nói chung và huyện Lý Sơn nói riêng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của huyện Lý Sơn; nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuần lễ Văn hóa- Du lịch Lý Sơn lần thứ I-2018 được tổ chức với quy mô cấp huyện, gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hứa hẹn sẽ mang đến những cảm xúc và ấn tượng khó phai trong lòng nhân dân và du khách.
Cụ thể là, tổ chức trưng bày chuyên đề “Lý Sơn – Di sản văn hóa biển, đảo” nhằm giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa, cảnh đẹp của quê hương, con người Lý Sơn, di sản địa chất, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và triển lãm số sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (VR3D); xác lập kỷ lục Việt Nam số người hát Quốc ca, tạo hình lá cờ Tổ quốc nhiều nhất (trên biển) với sự tham gia của 3.000 người là nhân dân, học sinh, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện; Liên hoan Phượt - Phượt Fest Lý Sơn 2018 với quy mô 1.000 phượt thủ tham gia vào lễ hội âm nhạc, cuộc thi sáng tác ảnh “Lý Sơn trong tôi” được đăng tải và chấm giải trực tiếp qua mạng xã hội facebook, với sự tài trợ của các hãng điện thoại di động.
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Du lịch được tổ chức với quy mô lớn, với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng trong nước, lực lượng diễn viên trong tỉnh, với nội dung mang âm hưởng biển, đảo và truyền thống văn hóa Lý Sơn. Ngoài ra, huyện Lý Sơn còn tổ chức “Chợ đêm ẩm thực, đặc sản Lý Sơn”, qua đó giới thiệu đến du khách về nguồn hải sản, về nét văn hóa ẩm thực của cư dân đất đảo...
Một góc đảo Bé. |
PV: Theo ông, đâu là giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Lý Sơn trong thời gian tới?
Ông Lê Văn Ninh: Huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; đồng thời sân khấu hóa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để phục vụ khách tham quan; phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhiều sản phẩm du lịch, như bãi tắm, lặn ngắm san hô, dịch vụ du lịch trải nghiệm, câu cá, câu mực... nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách, tăng thu nhập cho cư dân đất đảo. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn các giá trị di sản văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện.
Khách đến Lý Sơn ngày càng tăng
|
MAI HẠ
(thực hiện)