Cần ngăn chặn nạn khai thác cá bằng xung điện

09:01, 06/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tượng nhiều người  đổ xô khai thác thủy sản bằng xung điện làm cho nhiều loài  cá, tôm ở ao, bàu, sông, suối gần như vắng bóng. Tuy nhiên, ở một số  nơi  nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, nạn khai thác tận diệt như trên bị ngăn chặn và cá tôm có cơ hội “hồi sinh”...

Hơn 30 năm gắn bó với nghề chài lưới, bà Nguyễn Thị Kiềng ở thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) nhận thấy rõ sự cạn kiệt dần nguồn thủy sản trên sông Trà Khúc. Gương mặt trầm buồn, bà Kiềng nhớ lại khoảng thời gian gia đình bà nhờ nghề chài lưới trên sông mà chẳng bao giờ thiếu cơm ăn, áo mặc.

Công an xã Đức Minh tịch thu phương tiện đánh bắt cá của những người hành nghề xung điện trên địa bàn xã.
Công an xã Đức Minh tịch thu phương tiện đánh bắt cá của những người hành nghề xung điện trên địa bàn xã.


 “Hơn chục năm trước, một ngày giăng lưới trên sông tôi đã có đôi ba trăm ngàn. Cá hanh, cá hồng, cá khế, cá móm, cá đối, cá diếc… rất nhiều. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các loài cá này chẳng khi nào dính lưới. Có khi đi cả đêm mà phải về không. Hôm nào may mắn thì thu được vài con rô phi, đổi gạo sống qua ngày”, bà Kiềng nói.

Về nguyên nhân dẫn đến sự “mất tích” của nhiều loài cá, ông Ngô Văn Dũng, người nhiều năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông Trà cho biết: “Người ta đánh bắt cá bằng xung điện nhiều quá! Bình điện, dụng cụ kích điện đi đến đâu là cá lớn cá bé nổi lên đến đó. Khai thác kiểu tận diệt vậy thì cá đâu mà sinh sản nữa. Quanh khu vực tôi sống có đến 30 hộ hành nghề đánh bắt cá bằng xung điện”.

Tuy Quảng Ngãi đang vào mùa mưa lũ, nhưng tại khu vực mé sông Trà thuộc phường Trương Quang Trọng và xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vẫn có  những chiếc ghe trang bị bình điện ngược dòng lùng sục cá, tôm.

Vấn đề không chỉ là sự đa dạng sinh học giống loài thủy sản bị đe dọa, mà cả tính mạng của chính những người đánh bắt cá bằng xung điện cũng nguy hiểm. Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm và hiểm nguy rình rập, nhiều người vẫn đánh bắt cá bằng hình thức tận diệt này.  

Trong khi nhiều địa phương  đang loay hoay trong việc giải quyết vấn nạn khai thác thủy sản bằng xung điện, thì chính quyền xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) và xã Đức Minh (Mộ Đức) đã mang đến những tín hiệu vui khi dần “xóa sổ” được tình trạng này.

Tịnh Minh từng có đến 48 hộ dân hành nghề khai thác thủy sản bằng xung điện. Năm 2012, trước nạn đánh bắt cá bằng xung điện ngày càng diễn biến phức tạp, UBND xã tiến hành rà soát, lên danh sách cụ thể, sau đó nhiều lần tuyên truyền đến từng hộ dân nhằm thay đổi nhận thức của họ. Sau một thời gian người dân bắt đầu nhận ra tác hại của việc mình làm và cam kết không thực hiện hành vi trên nữa.

Với đặc điểm tự nhiên có nhiều bàu, rộc, xã Đức Minh cũng từng là địa điểm lý tưởng cho dân xung điện hoạt động. Ông Trần Lững - Trưởng Công an xã Đức Minh nhớ lại, có đêm ông và 7 công an viên tuần tra phát hiện đến chục chiếc ghe đánh bắt cá bằng xung điện. Ông kiên quyết xử lý mạnh tay để làm gương cho những người khác. Công an xã từng tịch thu 2 chiếc ghe, 12 bình điện, 12 máy, 26 cần… là số dụng cụ đánh bắt cá bằng xung điện.  Mềm dẻo trong việc tuyên truyền nhưng lại cứng rắn trong xử lý, chính quyền xã Đức Minh đã thu được kết quả như mong đợi.

Bà Trịnh Thị Tuyết Nhung, ngụ thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh chia sẻ: “Vợ chồng tôi hành nghề xung điện cách đây đã chục năm. Hồi đó thu nhập một ngày đến bốn, năm trăm ngàn. Nhưng sau khi nghe chính quyền giảng giải đúng sai, mình đã bỏ nghề. Giờ mỗi sáng mình đẩy xe cháo lòng ra chợ bán. Tuy thu nhập có ít hơn, nhưng đổi lại mình thấy an tâm vì không bị hiểm nguy rình rập nữa”.

 

Bài, ảnh: THU HIỀN
 


.