(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng người nữ cựu chiến binh Trương Thị Lai (70 tuổi) ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) vẫn luôn day dứt khi nghĩ về những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh song vẫn còn nằm lại ở nơi núi rừng xa xôi. Với tâm nguyện là làm sao đưa các liệt sĩ về với người thân, nên từ năm 2008 đến nay bà và một số người đã đi tìm và quy tập gần 60 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang.
Tôi tìm đến nhà bà Lai vào một buổi trưa của trung tuần tháng 7.2014. Trước đó khi nghe điện thoại, bà Lai bảo: “Tranh thủ buổi trưa cháu à, vì cô đang bận đi tìm kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Liền để lại cho đứa con gái”. Tiếp tôi trong căn phòng rộng, treo đầy huân, huy chương và những kỷ vật, hình ảnh của đồng đội thời chiến tranh, nhắc đến đồng đội, đôi mắt bà đỏ hoe, ngân ngấn lệ. Bà Lai tâm sự: “Tôi quê ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh. Năm 11 tuổi đã theo cha hoạt động cách mạng, làm giao liên ở 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sau này trở thành nữ quân y Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu 5”.
Vợ chồng bà Trương Thị Lai và Phạm Văn Trợ. Ảnh: N.HƯƠNG |
Là nữ quân y ở chiến trường, bà Lai đã cùng đồng đội chữa trị, cứu sống hàng trăm cán bộ chiến sĩ và cũng chính bà ngậm ngùi, xót xa khi phải chôn cất nhiều đồng đội hy sinh. Sau ngày giải phóng về công tác ở Đội Vệ sinh phòng dịch Sơn Tịnh, rồi làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hà. Trong những tháng ngày ấy bà rất muốn đi tìm lại đồng đội của mình, nhưng cuộc sống thời bao cấp gặp không ít khó khăn nên đành gác lại tâm nguyện. Năm 1994, sau khi nghỉ hưu bà định cư tại xã Bình Hiệp.
Năm 1995, bà cùng với 6 đồng đội trong đơn vị, tham mưu cho tỉnh đề nghị thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Ba Gia - Vạn Tường tỉnh Quảng Ngãi nhằm quy tụ các đồng đội tham gia chiến trường năm xưa. Từ đó mỗi lần gặp lại đồng đội, bà cùng Ban liên lạc thống kê lại số liệt sĩ hy sinh, tên gì, ở đâu, ai đã tìm được, ai chưa tìm được mộ để bàn phương hướng tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả nước bạn Lào và Campuchia. Tất cả những đồng đội hy sinh do mình chôn cất, bà đều nhớ rõ địa điểm nơi chôn cất, liệt sĩ đó tên gì, quê ở đâu.
Năm 2008 bà cùng đồng đội bắt đầu lên các tỉnh Tây Nguyên để tìm mộ liệt sĩ và đến nay đã tìm được gần 60 liệt sĩ. Riêng 1 mình bà tự bỏ tiền túi dẫn người thân liệt sĩ đi tìm được 8 mộ. Chuyện đi tìm mộ cũng rất vất vả vì đường đi cách trở, địa hình thay đổi khó xác định địa điểm chôn cất nên có những mộ đi 3 lần vẫn chưa tìm ra.
Bà nhớ nhất là chuyến đi tìm mộ liệt sĩ Phan Dương Tiến quê ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông, trước đây là tham mưu trưởng Trung đoàn Ba Gia, Quân khu 5 hy sinh trong một trận đánh ở cao điểm 723 Sê Pôn (Lào) năm 1971. Năm 2011, bà cùng gia đình liệt sĩ Tiến sang Lào để tìm mộ. Chuyến đi kéo dài gần 2 tuần, nhưng có 5 ngày liền phải đi bộ vì đường đi toàn là núi rừng. Đến ngày thứ 6 bà không may bị rễ cây đâm thủng bàn chân, sưng vù lên đành phải vào nhà của đồng bào dân tộc Lào để nghỉ ngơi băng bó vết thương. Dù chân vẫn còn đau nhưng sợ trễ chuyến đi của mọi người bà nén đau để tiếp tục lên đường. Gần đến nơi cả đoàn phải ngược dòng Sê Pôn mới đến được cao điểm 723 và tìm được ngôi mộ của liệt sĩ nằm dưới hang đá 723.
Hay như việc tìm liệt sĩ Võ Mạnh, quê ở Bình Hòa hy sinh tại Kon Tum năm 1968. Bà cùng gia đình đi tìm 2 lần, mỗi lần đi từ 4 đến 7 ngày nhưng chưa tìm được. Nghe tin bà đi tìm liệt sĩ Võ Mạnh, ông Phạm Lạc cũng ở xã Bình Hòa đến gặp bà nhờ tìm giúp anh trai là liệt sĩ Phạm Mạnh, trước đây cùng đơn vị với liệt sĩ Võ Mạnh, cũng hy sinh năm 1968. Thế rồi bà đi lần thứ 3, lần này chỉ có 3 ngày thì tìm thấy hài cốt liệt sĩ Phạm Mạnh. Gia đình ông Lạc rất mừng, biết ơn bà vô cùng.
Mới đây vào ngày 28.4.2014 bà cùng đồng đội đã tìm được mộ liệt sĩ Phạm Liền quê ở xã Bình Chương, hy sinh năm 1965 ở Quảng Nam đưa về an táng tại quê nhà. Trước khi chết liệt sĩ Liền có để lại một kỷ vật cho người con gái nhưng bị thất lạc nên bà và đồng đội đang đi tìm.
Điều mà bà trăn trở không chỉ tìm kiếm mộ liệt sĩ cho người thân mà còn tìm kiếm người thân cho liệt sĩ. Vì năm 2013 bà và đồng đội tìm được 4 hài cốt gồm: Liệt sĩ Nguyễn Hồng Việt, liệt sĩ Hùng ở Quảng Nam, liệt sĩ Võ Văn Thái ở Nghệ An và liệt sĩ Lập ở Quảng Ngãi hy sinh ngày 28.12.1967 được chôn cùng một hố tại Quảng Nam. Ba liệt sĩ đã có người thân nhận về an táng tại các nghĩa trang, còn liệt sĩ Lập chưa tìm được người thân đành phải cải táng tại Nghĩa trang huyện Hiệp Đức (Quảng Nam).
Ngoài tâm nguyện của bản thân, chồng bà là ông Phạm Văn Trợ, trước đây là chiến sĩ Đại đội trinh sát Trung đoàn 1, Quân khu 5 luôn động viên, khích lệ và ủng hộ bà trong việc đi tìm mộ liệt sĩ. Nhờ vậy bà có thêm động lực và dồn hết tâm huyết để tìm kiếm đồng đội. Qua tìm hiểu, không chỉ có việc đi tìm mộ liệt sĩ, mà bà còn làm nhiều việc sâu đậm ân tình. Ví dụ như vận động kinh phí xây dựng 4 ngôi nhà cho các nữ đồng đội trị giá 250 triệu đồng, vận động gần 30 triệu đồng giúp đỡ các trường hợp bị bệnh nặng ở địa phương...
Trước khi tôi ra về nữ cựu chiến binh Trương Thị Lai bộc bạch rằng, trong năm nay phải cố gắng tìm cho được liệt sĩ Võ Mạnh, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Liền để lại cho cô con gái và người thân của liệt sĩ Lập. Với bà được sống đến ngày hôm nay đã là một hạnh phúc lớn, điều đó một phần nhờ sự hy sinh của đồng đội. Vì vậy, dù tuổi cao nhưng còn sức là bà còn đi tìm đồng đội đã hy sinh.
Nguyên Hương