(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm 2013, Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN) về nhãn hiệu, xử phạt 210 triệu đồng và tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm vi phạm nhãn hiệu Vodka Hà Nội, dầu nhờn Honda… Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) đã tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ tố cáo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Trần Thị Tuyết Nhung, chủ sở hữu nhãn hiệu dịch vụ ăn uống “Cây Gòn” (đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi) đã tố cáo bà Mai Thị Tuyết (em dâu bà Nhung) đã sử dụng thương hiệu “Cây Gòn” của bà để kinh doanh quán cơm. Bà Nhung cho biết, thương hiệu dịch vụ ăn uống “Cây Gòn” được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận độc quyền cho bà Nhung vào năm 2010. Còn bà Tuyết thì cho rằng, nhãn hiệu này do cha mẹ bà Nhung để lại, lâu nay đều được anh em trong gia đình sử dụng để kinh doanh, nên có đơn khiếu nại lên Cục SHTT, khiếu nại việc bà Nhung tự ý làm đơn gửi UBND phường xác nhận thương hiệu cho riêng mình mà không thông qua những người đồng sở hữu. Do phức tạp nên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Điều đáng nói ở đây là, sự hiểu biết của người dân về Luật SHTT nói chung và SHCN nói riêng còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến phát sinh những vụ tranh chấp. Đơn cử như trường hợp tranh chấp thương hiệu quán cơm “Cây Gòn”. Bà Mai Thị Tuyết cho biết: Trước đây, bà không biết gì về Luật SHTT, mặc dù gia đình bà sử dụng thương hiệu này kinh doanh từ nhiều năm qua cho đến khi phát sinh tranh chấp. “Năm 2010, có cô gái giới thiệu là cán bộ tiếp thị từ Cục SHTT, đến khuyên gia đình đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu quán cơm “Cây Gòn”. Lúc đó tôi mới biết thông tin về quyền SHTT. Cô gái này đã làm hồ sơ và thu 4 triệu đồng tiền phí (bằng hình thức chuyển khoản). Nhưng sau đó phản hồi rằng hồ sơ không được chứng nhận, vì thương hiệu quán cơm “Cây Gòn” đã được bà Trần Thị Tuyết Nhung đăng ký độc quyền trước đó, và số tiền 4 triệu đồng cũng không được trả lại”, bà Tuyết kể.
Nhãn hiệu “Spa Hoàng Anh” bị cơ quan chức năng cảnh cáo buộc gỡ bỏ nhưng vẫn chưa thực hiện. |
Hay như trường hợp bảng hiệu quán cà phê Yesterday trên đường Phan Bội Châu, do anh Nguyễn Tấn Huy làm chủ. Anh Huy cho biết, quán cà phê của anh có giấy phép kinh doanh với nhãn hiệu Yesterday từ năm 2009, nhưng đến năm 2013, anh nhận được thư yêu cầu gỡ bỏ nhãn hiệu trên vì vi phạm quyền SHTT từ một doanh nghiệp ở TP.HCM. Sau đó, anh Huy đổi tên quán thành “Memory”, không kể các chi phí làm lại bảng hiệu, doanh thu của quán cũng bị giảm sút, nhưng quan trọng hơn cả là nhãn hiệu “Memory” cũng đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Anh Huy trăn trở: “Việc chọn một cái tên hay và mới là rất khó.
Hơn nữa mình không biết về các thủ tục để đăng ký bảo hộ nên tạm thời vẫn chưa làm được”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng vi phạm quyền SHCN ngày càng phổ biến. Một số trường hợp vì lý do không biết, nhưng cũng có không ít trường hợp biết nhưng cố tình lờ đi. Như trường hợp vi phạm nhãn hiệu “Spa Hoàng Anh” của bà Nguyễn Thị Thanh Tỉnh, dù đã bị khiếu nại và Sở KHCN yêu cầu gõ bỏ nhưng đến thời điểm hiện nay bà Tỉnh vẫn tiếp tục kinh doanh với nhãn hiệu trên.
Theo ông Trần Văn Quang, Phó Chánh Thanh tra Sở KHCN, những trường hợp đã từng bị cảnh cáo mà vẫn tiếp tục vi phạm, khi Sở KHCN nhận được đơn tố cáo lần 2 của người chủ SHTT thì sẽ bị xử phạt hành chính trên 50 triệu đồng. Bà Võ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KHCN) cho biết: Thời gian qua, Phòng đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, phát hành các ấn phẩm thông tin về SHTT, nhưng người dân còn thờ ơ, ngay cả cán bộ chuyên trách của xã, phường cũng “đến dự nửa buổi rồi về” khiến việc tuyên truyền, phổ biến thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp không đến nơi đến chốn. Thế nhưng, khi có tranh chấp về quyền SHTT thì người dân thường tìm đến Sở KHCN để “bắt đền”. Bà Nga cho biết, từ năm 2013, Sở KHCN và Sở KH&ĐT đã tăng cường phối hợp trong tra cứu thông tin, để việc đăng ký kinh doanh cho người dân không bị chồng chéo.
Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp đến Sở tra cứu thông tin về bản quyền trước khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Hầu hết những trường hợp này đều được tư vấn đăng ký bản quyền về SHTT để bảo vệ quyền lợi của mình về sau. Bà Nga nhấn mạnh: Đăng ký bảo hộ quyền SHTT hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Do đó, bản thân mỗi tổ chức, cá nhân phải ý thức tìm hiểu về Luật SHTT, nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc phát hiện, tố cáo sai phạm và phối hợp cùng cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bài, ảnh: Hà Xuyên