(QNg)- Quy định về chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) trong Luật BHXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2007, đã đảm bảo được quyền lợi về BHXH đối với người bị tai nạn lao động. Điều kiện được hưởng TNLĐ, trách nhiệm của các bên, thủ tục, thời hạn giải quyết đã được nêu rõ trong Luật BHXH, các văn bản dưới Luật và Quyết định 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình thụ lý giải quyết chế độ TNLĐ có rất nhiều vướng mắc phát sinh, chẳng hạn như:
Nhiều trường hợp người lao động tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài nhiệm vụ chuyên môn (thể dục thể thao, văn nghệ...) do cơ quan, đơn vị tổ chức, nhưng không được xem xét là TNLĐ do chưa có quy định cụ thể. BHXH tỉnh không đồng ý giải quyết vì các công việc đó không gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động được phân công. Ví dụ như bị chấn thương khi thi đấu thể thao, bị tai nạn giao thông khi trên đường đi diễn văn nghệ về... Nhưng đơn vị và người lao động không đồng tình với lý do này. Họ cho rằng tất cả các hoạt động đoàn thể mà họ tham gia đều là đang thực hiện các công việc mà đơn vị phân công và ai là người chịu trách nhiệm cho những thương tật mà có thể họ phải mang suốt đời. Và nếu vậy, các hoạt động thể thao, văn nghệ liệu sau này ai còn hăng hái tham gia…
Trước những thắc mắc liên tục của đơn vị và người lao động, BHXH tỉnh đã làm công văn xin ý kiến của BHXH Việt Nam và BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh đề nghị đơn vị tập hợp hồ sơ, báo cáo và đề nghị Sở Lao động-TB&XH tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phối hợp kiểm tra, xác định điều kiện hưởng theo các quy định, tổng hợp báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh. Nếu có vướng mắc thì đề nghị UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Lao động-TB&XH. Thiết nghĩ BHXH Việt Nam xin ý kiến của Bộ Lao động-TB&XH để địa phương có cơ sở vận dụng giải quyết cho những trường hợp tương tự.
Trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, trên thực tế chế độ BHXH đã bị lạm dụng và xử lý rất phức tạp để xác định đâu là đi làm việc, đâu là đi việc riêng cá nhân. Những trường hợp bị tai nạn như vấp ổ gà, đâm vào súc vật chạy rông… thì hầu như không mời công an đến lập biên bản tai nạn giao thông, vì vậy người lao động không được giải quyết chế độ TNLĐ (vì thủ tục không đảm bảo). Những trường hợp tai nạn giao thông, nhưng người lao động vi phạm Luật Giao thông (VD: Vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu,...) thì có được hưởng chế độ TNLĐ của BHXH không, Luật BHXH cần quy định rõ.
Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 8/3/2005 hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động đã quy định rõ thời hạn điều tra và lập biên bản (không quá 24 giờ đối với vụ tai nạn lao động nhẹ, không quá 48 giờ đối với vụ tai nạn lao động nặng). Tuy nhiên nhiều đơn vị không điều tra lập biên bản kịp thời, mà để đến khi đề nghị giải quyết chế độ mới hợp thức hóa việc lập biên bản (trích nguyên văn kết quả của Hội đồng Giám định y khoa, thậm chí còn ghi cả tỷ lệ thương tật).
Việc quy định quỹ BHXH chi trả trợ cấp TNLĐ cho người bị TNLĐ từ sau khi điều trị thương tật ổn định, còn trong thời gian điều trị TNLĐ thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động là, nhằm tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công tác an toàn, bảo hộ lao động, giảm thiểu TNLĐ, ngăn chặn việc lạm dụng trong việc thực hiện chế độ TNLĐ. Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề phát sinh như:
Các hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TNLĐ sau khi được BHXH thẩm định đủ điều kiện hưởng thì hầu hết đã hưởng BHYT khi điều trị thương tật (vì khi vào viện họ không khai là bị tai nạn khi đang làm việc hay khi trên đường đi làm) chỉ khai chung chung là bị ngã, bị tai nạn giao thông. Có đơn vị cam kết bằng văn bản là người lao động không sử dụng quỹ BHYT khi điều trị. Nhưng khi kiểm tra lại thực tế có sử dụng chi phí y tế khá cao (có hồ sơ quỹ BHYT đã chi hơn 100 triệu đồng). Chính vì vậy tất cả hồ sơ TNLĐ đều phải thẩm định lại việc sử dụng chi phí KCB, làm kéo dài thời gian giải quyết chế độ này (có rất nhiều người lao động chữa trị nhiều nơi, nhiều năm mới ổn định bệnh. Hơn nữa mã thẻ BHYT mỗi năm cấp một mã khác nhau, nên việc tập hợp dữ liệu để tính toán chi phí người lao động đã điều trị BHYT là rất khó khăn; Một số đơn vị còn đề nghị giải quyết chế độ ốm đau thời gian người lao động điều trị thương tật.
Có rất nhiều Biên bản giám định TNLĐ của Hội đồng Giám định Y khoa xác định tỷ lệ mất sức lao động do thương tật chỉ là "tạm thời". Có nghĩa là việc điều trị thương tật của người lao động chưa thật sự ổn định đã đi giám định. Vậy nên có quy định thời gian người lao động phải đi giám định lại để xác định chính xác tỷ lệ thương tật được hưởng.
Nhiều hồ sơ TNLĐ đơn vị làm đầy đủ thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác định đơn vị đã giả mạo, gian lận hồ sơ. Từ đầu năm 2010 đến nay, BHXH tỉnh tiếp nhận 45 hồ sơ đề nghị giải quyết TNLĐ và tuất do TNLĐ, nhưng qua kết quả đi xác minh của Phòng Kiểm tra thì có 6 hồ sơ không phải là tai nạn lao động, nhưng đơn vị cố tình dựng lại không đúng sự thật, để hưởng chế độ tai nạn. Trong đó có cả cơ quan chức năng liên quan cũng giúp đơn vị chỉnh sửa ngày giờ xảy ra tai nạn, nguyên nhân xảy ra cho hợp lý. Vi phạm Điều 137 Luật BHXH chủ yếu là doanh nghiệp, nhưng cũng có đơn vị hành chính sự nghiệp. Có thể liệt kê: Bị tai nạn tại nhà, nhưng lại khai bị ngã tại đơn vị. Có trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng để được hưởng BHYT khi điều trị đã khai là ngã tại đơn vị, sau đó tiếp tục đề nghị giải quyết TNLĐ; đi công việc riêng, khai là đi làm nhiệm vụ do đơn vị phân công, trên đường đi làm về…
Ngoài ra việc giám định cả bệnh tật, những thương tật không phải do tai nạn lao động vào tỷ lệ suy giảm lao động làm tăng tỷ lệ cũng là một vấn đề cần chấn chỉnh trong thời gian tới.
Những vướng mắc và tồn tại trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động nêu trên cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và cũng cần xử lý nghiêm khắc những đơn vị gian lận, giả mạo hồ sơ, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội.
Thu Hằng