Xóm Gành Cả - 10 năm làm hoà giải

08:06, 23/06/2009
.
Lâu nay tôi biết nhiều về chuyện làm kinh tế giỏi của ngư dân vạn Gành Cả, thôn Châu Thuận biển, xã Bình Châu, nhưng chuyện làm hoà giải thì mới đây mới biết.

 

Xóm Gành Cả hôm nay.
Xóm Gành Cả hôm nay.

 Nhờ hoà giải tốt các vụ việc mâu thuẫn mà người dân nơi đây luôn sống trong tình làng, nghĩa xóm gắn bó, đoàn kết keo sơn.  Tổ hoà giải xóm Gành Cả đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì "Đã có thành tích trong việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở qua 10 năm (1998-2008)". 

 

Chuyện xóm Gành Cả được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đến nay không những lan toả khắp cả xóm, mà còn được cả thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) và nhiều nơi biết đến. Gành Cả là một thung lũng nằm sát biển, với ba bên là núi đồi. Cả xóm hiện có 223 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu, hầu hết sống bằng nghề biển.

 

Xóm có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 1 Mẹ còn sống) và khoảng trên 50 người hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Những năm qua, bà con nơi đây đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó đến nay có rất nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Bình quân cả xóm hiện có trên 98% hộ gia đình có xe gắn máy, 100% hộ có ti vi, phương tiện nghe nhìn và trên 90% gia đình có điện thoại liên lạc...

 

Ông Bùi Út- Xóm trưởng, kiêm tổ trưởng tổ hoà giải số 9, xóm Gành Cả cho biết: Tính đến nay ông đã làm xóm trưởng được gần 15 năm. Đặc biệt từ năm 1995 xóm Gành Cả đã trở thành điển hình của toàn xã, đi đầu trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC".

 

Xuất phát từ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong đời sống sản xuất và có truyền thống cách mạng, nên công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như  vận động quần chúng tham gia tìm hiểu pháp luật được bà con nơi đây nhất trí cao. Mỗi lần Hội đồng giáo dục pháp luật xã Bình Châu triển khai phổ biến các luật, bà con trong xóm tham gia học tập khá đông đủ, với tỷ lệ đạt trên 95%.

 

Trong công tác hoà giải, mặc dù gặp rất nhiều vụ việc rất phức tạp, nhưng với sự nhiệt tình, cán bộ hoà giải ở đây đã hoà giải thành công, dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, đem lại niềm tin của nhân dân đối với cán bộ hoà giải. Điển hình là vụ tranh chấp ranh giới đất đai giữa ông Phạm Cường và Nguyễn Khánh xảy vào năm 2004. Lúc ấy ông Cường đi kiện ông Khánh, vì cho rằng ông Khánh thường xuyên xâm phạm đất đai của ông. Nguyên do là vườn nhà ông Cường ở trên một bậc, mỗi khi trời mưa lớn thì đất vườn nhà ông cứ sạt dần xuống phía dưới vườn nhà ông Khánh, nhiều lần như vậy nên đất đai ông Cường mất dần…

 

Vụ việc kiện lên xã không giải quyết được, họ lại kiện lên huyện, rồi sau đó chuyển về lại cho khu dân cư tổ chức hoà giải. Tổ hoà giải (3 người) cùng cán bộ tư pháp xã cho mời hai bên đương sự đến để hoà giải. Trước khi tổ chức hoà giải, tổ hoà giải theo dõi tình hình gia đình hai bên; đồng thời mời hai gia đình có nhà ở gần các đương sự đến để điều tra, sau đó mời đến trong buổi hoà giải. Qua việc động viên khuyên giải và nêu ra các bằng chứng xác đáng, hai bên gia đình đã thống nhất "làm lành" lại với nhau; đồng thời cùng thoả thuận bỏ tiền ra làm một bờ kè chống sạt lở giữa ranh giới hai bậc.

 

Trong đó gia đình ông Cường (ở trên) phải chịu 60% kinh phí, còn ông Khánh (ở dưới) chịu 40%. Cuộc hoà giải thành công mỹ mãn. Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở xóm Gành Cả thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Hầu hết các vụ việc tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực tranh chấp ranh giới đất đai và mâu thuẫn gia đình. Mỗi khi xóm có "chuyện", cán bộ tổ hoà giải cùng những người uy tín trong xóm lại đến "mời" các bên ra giải thích cho ổn thoả. "Hiện nay ở xóm Gành Cả không có đơn thư nào gửi đến thôn, hoặc ban tư pháp xã; không có đơn thư vượt cấp, bà con sống yên ổn làm ăn, đoàn kết gắn bó, tối lửa tắt đèn có nhau.

 

Cán bộ hoà giải mặc dù chưa được hưởng chế độ trợ cấp gì, nhưng ai cũng luôn hết lòng với công việc. Bản thân tui đây đến nay đã làm được hơn 15 năm, vừa rồi làm đơn xin nghỉ nhưng nhiều bà con không cho, bảo rằng bao giờ… chết thì mới thôi làm…" - ông Bùi Út bảo. Không chỉ trực tiếp hoà giải, mà cán bộ hoà giải còn thường xuyên đến tủ sách pháp luật của xã Bình Châu tìm hiểu các mẫu hướng dẫn về công tác hoà giải, cũng như các tài liệu để về tuyên truyền giải thích cho nhân dân.

 

Ngoài làm hoà giải, cán bộ tổ hoà giải ở đây còn tham gia nhiều công việc của thôn, xóm như vận động đóng góp quỹ tình thương, tình nghĩa… Hằng tháng, hằng quý tổ còn tổ chức họp đánh giá kiểm điểm các hộ gia đình có hành vi vi phạm, nêu gương những gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chuyện làm hoà giải của xóm Gành Cả quả thật đáng nêu gương.

Bài, ảnh: Phạm Danh

 

 


.