(Báo Quảng Ngãi)- Với hơn 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình, ngay từ nhỏ, Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đã chứng kiến cảnh quê hương bị quân thù giày xéo. Năm 1938, đồng chí tham gia các hoạt động cách mạng ở quê nhà; đến năm 1939 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi. Những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương Quảng Bình đã tôi luyện và hình thành trong ông những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Dấu ấn đường Trường Sơn
Dấu son chói lọi trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng ông được trao trọng trách Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn. Với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chi viện sức người và khí tài, hậu cần cho chiến trường miền Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: T.L |
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong hai sĩ quan cao cấp vinh dự được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên thẳng Trung tướng vào năm 1974. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng... Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mất vào ngày 4/4/2019. |
Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Gần 10 năm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh (1967 - 1976) là quãng thời gian mà Bộ đội Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô to lớn nhất. Đây cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Trong khoảng thời gian đó, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt, dữ dội nhất, những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất của địch. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu đã chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn, với mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối 2 sườn Đông - Tây liên hoàn, đồng bộ, nối tất cả các chiến trường, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, mạng thông tin đường dây tải ba... Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến trường miền Nam.
Song song với việc chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo công tác tổ chức giúp đỡ nước bạn Lào một cách hiệu quả. Với tư duy nhạy bén, mang tầm chiến lược về nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Trọn nghĩa vẹn tình
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho những người đã hy sinh. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.
Từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn. Nhưng việc nghĩa thì không thể dừng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được...
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian thiết kế, xây dựng nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các nhà chuyên môn phải thiết kế, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt... Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt. Ngày 24/2/1975, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Tầm nhìn chiến lược
Với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia gắn liền với tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đề xuất ý tưởng xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh nối liền đất nước trên nền của tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Tâm nguyện của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là hiện đại hóa tuyến đường Trường Sơn - biến con đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành con đường chiến lược, con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình, đổi mới. Khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ đôn đốc việc thực hiện mở đường.
|
THANH THUẬN