(Báo Quảng Ngãi)- Với ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân, cùng với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành dành cho đảo tiền tiêu của Tổ quốc, từ một địa phương với bộn bề gian khó, huyện Lý Sơn đã vươn mình, đầy sức sống sau chặng đường 30 năm bứt phá.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Lý Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Hương ddđã chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Ngãi về những thành tựu phát triển của quê hương trong chặng đường đã qua.
Đồng chí Phạm Thị Hương. Ảnh: PV |
Đồng chí Phạm Thị Hương: Trong chặng đường đi lên của Lý Sơn, có 3 dấu mốc lớn về địa giới hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền. Đó là ngày 1/1/1993, Chính phủ quyết định thành lập huyện trên cơ sở 2 xã thuộc huyện Bình Sơn. Đây là dấu mốc mở ra thời kỳ mới đối với huyện nhà. Tròn 10 năm sau, vào năm 2003, các đơn vị hành chính cấp xã được kiện toàn với toàn bộ diện tích trên đảo gồm 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Đến năm 2020, huyện Lý Sơn thực hiện chính quyền một cấp, không còn cấp xã.
Khi mới thành lập huyện, Đảng bộ huyện có 112 đảng viên, đến nay có 887 đảng viên, tăng 7,9 lần. Qua 7 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, các thế hệ lãnh đạo của huyện luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo cho sự nghiệp xây dựng quê hương; khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của huyện hôm nay.
Nhìn lại 30 năm đã qua, Lý Sơn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; kinh tế - xã hội không ngừng phát triển; quốc phòng - an ninh được đảm bảo...
Huyện Lý Sơn ngày càng phát triển. Ảnh: Hữu Thư |
Đồng chí Phạm Thị Hương: Khi mới thành lập, huyện Lý Sơn là địa phương nghèo, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển gần như không có gì. Các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất rất bấp bênh; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ gần như bằng không. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, lạc hậu. Đến nay, có thể nói, huyện đã đạt được những thành tựu rất đáng kể về mọi mặt. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2022 ước đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 1993. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, tăng 192,3 lần so với khi mới thành lập huyện. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 20 tỷ đồng, tăng gấp 122 lần so với năm 1993.
Đối với ngành nông nghiệp, tỏi Lý Sơn đã được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo được thương hiệu trên thị trường. Giá trị các ngành công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp năm 2022 ước đạt 186 tỷ đồng, tăng gấp 283 lần so với năm 1993; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 10,12%... Dấu ấn đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện đó là sự bứt phá của ngành du lịch, dịch vụ. Trước năm 2010, rất ít du khách biết đến Lý Sơn, nhưng đến năm 2015, địa phương đã đón gần 100 nghìn lượt khách; năm 2019 đón trên 265 nghìn lượt khách. Việc đi lại giữa đất liền với đảo Lý Sơn hiện nay rất thuận tiện so với trước, với 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô tuyến đảo Lớn - đảo Bé.
Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư về hạ tầng và từng bước nâng cao chất lượng. Công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa được quan tâm, chú trọng. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã phát huy giá trị trong việc tuyên truyền những giá trị lịch sử - văn hóa, trở thành các điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Hiện nay, huyện có 6 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh.
PV: Vậy đâu là yếu tố tạo nên những thành tựu ấy?
Đồng chí Phạm Thị Hương: Có thể nói, huyện Lý Sơn đi lên từ con số không. Có được thành quả đáng tự hào như hôm nay là nhờ sự cộng hưởng từ nội lực và nguồn đầu tư đáng kể mà các cấp đã quan tâm dành cho Lý Sơn. Đó còn là ý chí, lòng quyết tâm, sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng bộ, quân và dân trên huyện đảo. Trong từng giai đoạn, Đảng bộ huyện đề ra những hướng đi phù hợp để thúc đẩy địa phương đi lên. Cụ thể, trong 3 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện gần đây, ngành du lịch luôn được xác định là mũi nhọn. Đây là hướng đi đúng, nhờ đó đã khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng có của huyện để phát triển.
Thành tựu của huyện có được còn là sự quan tâm đặc biệt của trung ương, của tỉnh dành cho Lý Sơn. Với sự đầu tư nhiều công trình có quy mô lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như: Cảng giao thông, cảng cá, mạng lưới giao thông, bệnh viện, trường học, tàu vận tải hành khách và hàng hóa, vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống sạt lở bờ biển, hệ thống trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, dấu ấn đặc biệt là dự án cấp điện từ điện lưới quốc gia bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển đã tạo điều kiện địa phương thay đổi về mọi mặt.
Cơ sở hạ tầng ở huyện Lý Sơn ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Ảnh: Xuân Thiên |
Chính điều này đã mang lại niềm tin và động lực lớn để Lý Sơn bước vào chặng đường mới với mục tiêu xây dựng trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp, hiện đại, trở thành trung tâm du lịch của khu vực và quốc gia.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
XUÂN THIÊN
(thực hiện)