Giải phóng Ba Tơ, bài học lớn trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc

08:10, 27/10/2022
.
* Đại tá LƯƠNG ĐÌNH CHUNG, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh
 
(Baoquangngai.vn)- Cách đây tròn 50 năm, ngày 15/9/1972, chiến dịch giải phóng Ba Tơ bắt đầu. Sau 45 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến ngày 30/10/1972 ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ. Ba Tơ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng. Nhìn lại những trang sử hào hùng chiến thắng Ba Tơ lịch sử, chúng ta đã có được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
 
[links()]
 
Giải phóng Ba Tơ
 
Ba Tơ là một huyện miền núi ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi, có địa hình hiểm trở, có giá trị cao về chiến thuật, là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Tơ- khởi nghĩa vũ trang đầu tiên từ khi có Đảng lãnh đạo đã giành thắng lợi trọn vẹn. Nơi ra đời của Đội Du kích Ba Tơ anh hùng là lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng đầu tiên của Đảng ở Nam Trung bộ, tiền thân của LLVT Quân khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, lực lượng chủ lực, quân và dân Ba Tơ đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết đánh và quyết thắng làm nên chiến dịch lịch sử giải phóng Ba Tơ.
 
 Lãnh đạo Quân khu 5 và lãnh đạo huyện Ba Tơ chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ.
Lãnh đạo Quân khu 5 và lãnh đạo huyện Ba Tơ chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ.
Đúng 20 giờ ngày 18/9/1972, Trung đoàn 52 của Quân đoàn 3; Tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu 5; Tiểu đoàn 20 của tỉnh, toàn bộ LLVT và bán vũ trang của huyện đồng loạt nổ súng bao vây, tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, liên tục tiến công, giành từng tấc đất, siết chặt vòng vây, đến 21 giờ 45 phút ngày 18/9/1972, ta đã chiếm lĩnh toàn bộ khu quận lỵ Ba Tơ, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên ngụy quân, ngụy quyền, đưa toàn bộ nhân dân bị dồn trở về làng cũ làm ăn.
 
Quận lỵ Ba Tơ mất, căn cứ Đá Bàn bị uy hiếp. Hòng cứu vãn tình thế, sáng 27/9/1972, địch đổ bộ 2 Tiểu đoàn 60, 61 thuộc Liên đoàn Biệt động quân số 11 và Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 5 Biệt động ngụy cứu viện. Chúng tập trung trên 2.000 tên dùng B52 và phi pháo yểm trợ, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, cán bộ, chiến sĩ phối hợp chặt chẽ cùng quân dân địa phương kiên trì tổ chức chiến đấu linh hoạt dũng cảm, chia cắt bao vây tiêu diệt địch tại Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn. Ta huy động hơn 500 dân công hỏa tuyến tiếp đạn, tải lương phục vụ chiến trường... Huy động lực lượng du kích và bộ đội địa phương phối hợp với Trung đoàn 52 tổ chức nhiều trận đánh ác liệt giành thắng lợi giòn dã như: tập kích trận địa pháo Cao Muôn, Đồng Chùa, Đồng Dâu, khu vực Tài Năng, đèo Ông Huyện…
 
Đúng 23 giờ 45 phút, ngày 29/10/1972 ta mở đợt tổng tấn công và đã làm chủ hoàn toàn trận địa Khu biệt kích Đá Bàn, đến 0 giờ 35 phút ngày 30/10/1972, lá cờ Mặt trận đã cắm trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn, giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ.
 
Bài học về nghệ thuật chiến tranh nhân dân
 
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và chiến dịch giải phóng Ba Tơ, những bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân của quân và dân ta đã được đúc kết.
 
Bài học kinh nghiệm đầu tiên là kiên định mục tiêu cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhất là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ kiên định lòng tin vào mục tiêu chính nghĩa và đường lối, phương châm, phương pháp lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ Ba Tơ đã lãnh đạo nhân dân và LLVT một lòng theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng. Đảng bộ quyết tâm xây dựng và sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, cả chính trị và vũ trang để đánh trả địch tham gia tích cực góp phần thắng lợi vào cuộc giải phóng Ba Tơ, bảo vệ và phát triển thành quả đó đến ngày toàn thắng.
 
Thứ hai là xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh trên cơ sở nền tảng là các tầng lớp quần chúng nhân dân. Ba Tơ là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Hrê. Trước khi có Đảng lãnh đạo, đồng bào Hrê đã biết tập hợp lực lượng, dưới sự chỉ huy của các già làng yêu nước, họ đã bền bỉ chiến đấu chống lại sự đàn áp của kẻ thù xâm lược. Khi được Đảng lãnh đạo, có đường lối cách mạng đúng đắn, đồng bào kinh và Hrê đã tập hợp lực lượng dưới cờ đỏ sao vàng đấu tranh chống lại kẻ địch.
 
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 thăm các địa điểm di tích lịch sử tại huyện Ba Tơ.
Lực lượng vũ trang Quân khu 5 thăm địa điểm di tích lịch sử tại huyện Ba Tơ.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ là con em các dân tộc Ba Tơ lần lượt tham gia vào lực lượng tập trung của huyện, nhiều đồng chí giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, kiên quyết đánh giặc giữ làng, bảo vệ an toàn cho căn cứ địa cách mạng. Tiêu biểu cho lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Bác Hồ của những chiến sĩ Ba Tơ, đó là các đồng chí Đinh Bí, Đinh Chín, Đinh Văn Thanh, Phạm Văn Khương... Quá trình xây dựng phát triển các LLVT nhân dân huyện Ba Tơ, đều thể hiện quan điểm đại đoàn kết của Đảng, lấy lực lượng quần chúng nhân dân các dân tộc anh em làm cơ sở phát triển từ thấp đến cao.
 
Thứ ba là kiên cường trụ bám làm chủ địa bàn, vận dụng linh hoạt phương thức hoạt động, hình thức chiến thuật, cách đánh của chiến tranh nhân dân ở địa hình miền núi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, LLVT Ba Tơ đã thực hiện phương châm "ba bám" (Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội - du kích bám giặc), đảm bảo giữ vững thế trận làm chủ địa bàn để củng cố tăng cường lực lượng, thế tiến công địch, thế giữ quyền làm chủ. Thực tiễn chứng minh, trong những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nhiều lúc chịu tổn thất, hy sinh, nhưng lực lượng vũ trang Ba Tơ vẫn kiên trì bám trụ, với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời", đồng cam cộng khổ với nhân dân.
 
Phương thức hoạt động của các LLVT nhân dân Ba Tơ khá linh hoạt, thích hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ. Đó là sự kết hợp vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển lực lượng, củng cố thế trận, kết hợp tác chiến tập trung với tác chiến độc lập, nhỏ lẻ; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh địch vận. Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang nhân dân Ba Tơ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng bộ và nhân dân.
 
Trong 50 năm qua, quân với dân Ba Tơ hòa thành một khối, Kinh với Thượng đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên những chiến công chung của dân tộc. Ngày nay, trong thời bình, trong khi xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ vẫn luôn quan tâm xây dựng củng cố quốc phòng an ninh. Chăm lo đời sống cho nhân dân vùng căn cứ cũ, tạo điều kiện cho bà con phát triển về mọi mặt, có đời sống vật chất no đủ, có đời sống tinh thần phong phú, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có một phần trách nhiệm của LLVT tỉnh Quảng Ngãi nói chung và LLVT huyện Ba Tơ nói riêng./.
 
 

.