Quy định 69 của Bộ Chính trị: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng

08:08, 03/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (Quy định 69). Quy định này thay thế Quy định 102 và Quy định 07 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được ban hành trước đó. Với 58 điều, Quy định 69 thể hiện quyết tâm lớn của Đảng trong công tác phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng; đồng thời đề cao tính kỷ luật, răn đe đối với các tổ chức đảng và đảng viên...
 
[links()]
 
Bổ sung nhiều điểm mới
 
Quy định 69 đã bổ sung nhiều nội dung, quy định mới nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn (Điều 51). Đảng viên có hành vi đe dọa trả thù đối với người làm chứng cho hành vi vi phạm của mình thì sẽ bị kỷ luật (Điều 26). Bổ sung quy định kỷ luật đảng viên có hành vi lấn chiếm đất công để trục lợi (Điều 42). Bổ sung trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật đảng viên mà trước đây chưa đề cập đến.
 
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại điểm cầu Quảng Ngãi.                           Ảnh: T.THUẬN
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: T.THUẬN
Quy định cũng bổ sung nhiều vi phạm mà đảng viên có thể bị kỷ luật, cụ thể như: Nhóm hành vi vi phạm quy định quản lý tài nguyên (Điều 44); nhóm hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (Điều 45); nhóm hành vi vi phạm quy định về KHCN, chuyển giao công nghệ (Điều 46); nhóm hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng (Điều 39). Bổ sung hành vi trong nhóm hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, cụ thể như: Lấn chiếm đất công để trục lợi; thông đồng bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, quyền sử dụng đất nhằm trốn thuế, giảm thuế gây thất thoát thu ngân sách nhà nước (Điều 42). Bổ sung một số nội dung mới và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên. Xác định rõ và bổ sung một số định nghĩa trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.  
 
Quy định cũng nêu đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại, thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện. Nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung, thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
 
So với các quy định trước đây, Quy định 69 đã cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những hình thức vi phạm, trong đó lần đầu tiên có một điều khoản riêng trong văn bản về xử lý kỷ luật của đảng đề cập đến mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, tại Điều 30 Quy định 69 đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền thành một hành vi bị kỷ luật riêng biệt với các hành vi khác. Theo đó, với từng biểu hiện cụ thể, đảng viên vi phạm sẽ phải chịu mức kỷ luật tương ứng là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ khỏi Đảng.
 
Cụ thể hóa các hình thức kỷ luật 
 
Theo Quy định 69, các hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng có 3 mức: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán. Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Quy định 69 được áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời, nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).

 
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Quy định 69 nêu rõ: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra. 
 
Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần. Kỷ luật của Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.
 
Quy định 69 cũng nêu rõ không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật: Đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật; đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khỏe ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật; đảng viên vi phạm đã qua đời thì tổ chức đảng xem xét, kết luận nhưng không quyết định kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng; đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.
 
Những điểm mới trong Quy định 69 được đánh giá là khá cụ thể, gắn kỷ luật của Đảng với thực tiễn cuộc sống nhằm siết chặt hơn nữa kỷ luật đội ngũ, xây dựng tổ chức đảng và đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy định này cần được tổ chức triển khai đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán của Đảng trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên.
 
THANH THUẬN
 
 
 

.