(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên giáo. Người luôn nhấn mạnh, công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng để xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và dân tộc ta; chú trọng mục tiêu tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
[links()]
Nằm trong dòng chảy của mọi hoạt động chính trị, xã hội, công tác tuyên giáo - một bộ phận cấu thành trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, với chặng đường 92 năm xây dựng và phát triển đã và đang khẳng định vai trò cũng như sự đóng góp quan trọng vào những công việc chung của đất nước, của tỉnh.
Chặng đường lịch sử vẻ vang
Cách đây 92 năm, ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử đối với công tác tuyên giáo của Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các cán bộ làm công tác tuyên giáo trong tỉnh. |
Sự đóng góp của công tác tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật. Đó là tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam. Nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ động, tích cực
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đội ngũ làm công tác tuyên giáo Quảng Ngãi luôn tự hào về những đóng góp lớn lao và cả những hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ tuyên giáo cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, ngành Tuyên giáo Quảng Ngãi đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi hiện đã mang một diện mạo mới, từ một vùng đất nghèo bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, nay trở thành một địa phương phát triển năng động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện, nhiều KCN, khu đô thị hiện đại được hình thành (KKT Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi...). Đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên.
Ngành Tuyên giáo đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh về kinh tế, xã hội. Chủ động định hướng cho các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền chương trình, sự kiện lớn của địa phương. Tích cực nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, qua đó kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó là, kịp thời tham mưu tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Cụ thể, những năm gần đây giúp cấp ủy quán triệt, triển khai tốt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Nhất là việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo đã theo dõi, định hướng chặt chẽ hoạt động khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, xuất bản; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 238 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm...
Tuyến đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Với những công việc, nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo được triển khai thường xuyên, liên tục đã trực tiếp góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng, chính trị và tổ chức trong toàn Đảng bộ, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đặc biệt là luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng khẳng định, những thành tựu to lớn của tỉnh đạt được trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, đều có công sức đóng góp quan trọng của ngành Tuyên giáo. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, ngành Tuyên giáo đều làm tốt vai trò công tác tư tưởng, định hướng, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cổ vũ, động viên, khuyến khích và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thời gian đến, ngành Tuyên giáo tiếp tục quan tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Kết nối, tập hợp các lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy sức mạnh của ngành Tuyên giáo trong nghiên cứu, dự báo tình hình, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn học - nghệ thuật, nắm bắt dư luận xã hội. Gắn kết chặt chẽ “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, tạo sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác quản lý hoạt động của Internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch trên không gian mạng; kết nối, phối hợp và bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương...
Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo”
Chiều 29/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức tọa đàm, gặp mặt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2022). Tham dự buổi gặp mặt có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng.
Tại buổi gặp mặt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng đã ôn lại truyền thống vẻ vang 92 năm của ngành Tuyên giáo. Cách đây tròn 92 năm, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành công tác tư tưởng của Đảng (nay là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng). Đồng hành với ngành Tuyên giáo cả nước, 92 năm qua, ngành Tuyên giáo Quảng Ngãi đã có nhiều công lao to lớn, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Quảng Ngãi và ngành Tuyên giáo cả nước. Những thành tựu to lớn mà Quảng Ngãi đạt được trong quá khứ cũng như trong hiện tại đều có công sức đóng góp quan trọng của ngành Tuyên giáo...
Dịp này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 13 cá nhân.
ÁI KIỀU
|
Bài, ảnh:
THANH THUẬN