Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh hơn nữa

08:08, 03/08/2022
.
Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 (khoảng 542 nghìn tỷ đồng), gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
 
[links()]
 
Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chiều ngày 3/8, tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm tổng hợp kết quả 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công) và tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
 
Các ý kiến tại phiên họp khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, yêu cầu các bộ ngành, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.
 
Để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 03 công điện, 07 văn bản; tổ chức 01 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
 
Tuy nhiên, theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, mới đạt đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
 
Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.
 
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột".
 
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp, những nơi làm tốt cũng phải chia sẻ kinh nghiệm, bài học.
 
"Đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về ai? Thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Nếu thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì chúng ta phải báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị; cần phải chỉnh sửa các điều luật, các nghị quyết của Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội.
 
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là những người nắm rõ nhất việc này, chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm", Thủ tướng chia sẻ trăn trở với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
 
Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc về đầu tư công, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 03 nhóm chính: nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách (trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng,  đấu thầu và đầu tư công); nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
 
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao khẳng định bài học quan trọng nhất là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Trên phạm vi toàn quốc, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã cắt giảm khoảng 5.000 dự án so với nhiệm kỳ trước, chỉ còn dưới 5.000 dự án.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, so với khoảng 600 dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ trước, số lượng các dự án trong nhiệm kỳ này của tỉnh chỉ bằng khoảng 1/8, trong đó năm 2021 khởi công mới 9 dự án và năm 2022 khoảng 12 dự án.
 
Cả nhiệm kỳ này, Quảng Ninh sẽ tập trung vào 10 dự án trọng điểm, có tính chất động lực phát triển với tổng vốn khoảng 40.000 tỷ đồng, như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái 7000 tỷ đồng, con đường mới ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng xuyên qua thị xã Quảng Yên, TP.Uông Bí với thị xã  Đông Triều khoảng 9.000 tỷ đồng… Đến nay, Quảng Ninh đã giải ngân được khoảng 58% trong tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng của năm 2022.
 
Tương tự, Chủ tịch  UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết tỉnh tập trung cho các dự án lớn mang tính trọng điểm, như tuyến đường kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện Thái Nguyên đã giải ngân được khoảng 59% trong tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2022.
 
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến tại phiên họp cho rằng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Theo đó,  để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công. Trong đó, sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công như: Luật đất đai (như thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng; Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm "khoáng sản" tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.
 
Cùng với đó, xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư  được duyệt)…
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ảnh của các địa phương trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.
 
Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 02 địa phương trở lên. Kiểm tra, hướng dẫn địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường…
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự  án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công. Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
 
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân tốt, đạt trên 50% và phê bình các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của cả nước. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm thường đạt khoảng 35-40%. Tỷ lệ giải ngân cả năm của 2 năm 2020 và 2021 có tiến bộ hơn năm trước.
 
Thủ tướng nêu rõ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm khó; năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công (542 nghìn tỷ đồng) gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204 nghìn tỷ đồng) và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, do ngoài vốn đầu tư trung hạn còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hơn, có biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc.
 
Cơ bản đồng tình với các giải pháp theo các báo cáo và phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.
 
Theo đó, phải đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Các bộ ngành, địa phương tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa ngay, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương; các bộ ngành, địa phương tự điều chỉnh vốn trong nội bộ. Các bộ ngành, địa phương chưa làm tốt thì phải khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, tham khảo các mô hình, cách làm của những nơi làm tốt như thành lập các tổ công tác, đôn đốc, giao ban hằng tháng…
 
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới./.
 
Theo Chinhphu.vn
 

.