Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của đảng

05:07, 11/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc, có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng chí còn là một nhà lý luận sắc sảo, có tầm nhìn chiến lược về công tác xây dựng Đảng và là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, chí công, vô tư.
 
Giàu lòng yêu nước, thương dân 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: T.L
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: T.L
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 tại làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phú Khê, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ Nguyễn Văn Cừ là một thầy đồ nghèo, nhưng vẫn cố gắng cho con ăn học để trở thành người hữu ích cho đất nước. Sau khi học hết bậc tiểu học, Nguyễn Văn Cừ thi đỗ vào trường Bưởi (Hà Nội), là một học sinh xuất sắc. Nguyễn Văn Cừ sớm có lòng yêu nước, căm ghét thực dân Pháp xâm lược. Do tích cực tham gia vào những hoạt động phản kháng nên Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp đuổi ra khỏi trường. Sau khi trở về quê, Nguyễn Văn Cừ mở trường dạy học, liên lạc mật thiết với Ngô Gia Tự và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để tiếp tục hoạt động, bị mật thám Pháp bắt nhưng không đủ chứng cứ nên đồng chí được trả tự do.
 
Năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Nguyễn Văn Cừ đến mỏ than Vàng Danh làm phu  cuốc than để vừa rèn luyện bản thân, vừa có điều kiện thâm nhập, gần gũi và giác ngộ công nhân lao động. Tháng 6/1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên của Đảng. Tuy sức khoẻ giảm sút, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục năng nổ hoạt động ở vùng mỏ Quảng Ninh để gây dựng phong trào, nhất là trong công nhân lao động. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai-Uông Bí. Lúc này, phong trào cách mạng ở vùng mỏ bùng lên, phát triển mạnh mẽ, khiến thực dân Pháp hoảng sợ và tiến hành đàn áp.
 
Là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của công nhân vùng than Đông Bắc, do đó Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man, rồi kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù thực dân, đế quốc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được học một cách có hệ thống về chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng các tù nhân vừa tổ chức đấu tranh chống địch, vừa giúp nhau học tập văn hóa và lý luận cách mạng, thực hiện khẩu hiệu “Biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng”. Nhờ có trí nhớ rất tốt, đồng chí đã thuộc lòng Bản “Luận cương chính trị” của Đảng ta và truyền thụ, giảng giải cho các anh em, đồng chí của mình. Đồng thời, nhờ không ngừng kiên trì học tập và tích luỹ kiến thức, Nguyễn Văn Cừ trở thành một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.
 
Nhà lãnh đạo tài năng 
 
 Năm 1936, sau thắng lợi của phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở nước Pháp, Nguyễn Văn Cừ được trả tự do và tiếp tục tích cực hoạt động, nhằm sớm khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ và thời gian sau đó đồng chí được bầu vào Xứ ủy. Từ ngày 25/8 đến ngày 4/9/1937, Nguyễn Văn Cừ được Xứ ủy cử đi tham dự Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần... Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
 
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở phường Phù Khê, TP.Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Internet
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở phường Phù Khê, TP.Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Internet
Năm 1938, khi mới 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng và tham gia hoạt động tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng trong cả nước dâng lên rất cao, thực dân Pháp và tay sai theo dõi đồng chí và đã dùng nhiều thủ đoạn, tìm cách trục xuất Nguyễn Văn Cừ ra khỏi Nam Bộ nước ta.
 
 Sau khi trở ra Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tập trung công sức vào việc thành lập tổ chức Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương và trực tiếp tham gia chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng ta, chủ yếu qua tờ Le Travail (Lao động). Chính tờ báo Le Travail là nơi vận động, tập hợp lực lượng để thị uy đón tiếp Godart, đại diện Chính phủ Pháp sang Đông Dương để thị sát tình hình. Cuộc mít tinh lớn tại khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa hữu Nghị Việt-Xô) vào ngày 1/5/1938 là đỉnh cao của phong trào đòi dân sinh, dân chủ của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn 1936 - 1939 ở nước ta.
 
Mùa thu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở lại Sài Gòn, cùng với Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít giả danh Mác-xít hoạt động, dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp, chống phá cách mạng nước ta. Với bút danh Trí Cường, đồng chí đã có tác phẩm rất nổi tiếng “Tự chỉ trích” để trực tiếp phục vụ cuộc đấu tranh, cũng như đẩy mạnh phê bình, xây dựng trong Đảng và chống lại những tư tưởng lệch lạc, sai trái lúc bấy giờ.
 
Mùa thu năm 1939, sau khi thực dân Pháp tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai và tiến hành phát-xít hóa bộ máy cai trị của chúng ở Đông Dương, bằng trí tuệ, nhiệt huyết và tài năng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung ương Đảng nhận thấy cần phải thay đổi chiến lược cách mạng, kịp thời tổ chức hội nghị để quyết định những chủ trương mới, nhằm chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cơ bản của cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật trở vào Sài Gòn họp Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Tại hội nghị này, Đảng ta đề ra nhiệm vụ tập hợp, vận động toàn dân tích cực tham gia cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là nhiệm vụ rất cấp bách. Giữa lúc phong trào cách mạng đang chuyển sang một bước ngoặt mới, vào ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn.
 
Sống mãi trong lòng dân   
 
 Thực dân Pháp và tay sai của chúng đã biết đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng ta, do đó kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn, tra tấn bằng nhiều hình thức dã man để tra khảo, kể cả mua chuộc... Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn kiên định, giữ vững khí tiết, tấm lòng kiên trung của người cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước nhà. Quân thù đã dùng âm mưu hết sức xảo quyệt là giam giữ đồng chí lâu ngày không tiến hành xét xử.
 
Sau khi Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ vào ngày 23/10/1940, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội là người đã khởi thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “chủ trương bạo động” và là người “có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Vin vào những cớ đó, thực dân Pháp kết án tử hình đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Vào một ngày đầu thu năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.
 
Cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, đất nước và lý tưởng cộng sản của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi, nhưng để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức, khí tiết của người cộng sản,  một nhà lãnh đạo kiên trung, nhà lý luận xuất sắc luôn kiên cường, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng nước nhà.
 
Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ   
 
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí; mãi ghi nhớ công lao to lớn của nhà lãnh đạo tiền bối đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua khó khăn, thách thức, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
 
TUẤN ANH 
 
 
 

.