Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh Niên

01:06, 21/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, vào giữa năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người thành lập một tổ chức cách mạng với tên gọi ban đầu là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cùng với việc mở các lớp huấn luyện, tổ chức kết nạp hội viên, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản một tờ báo để tuyên truyền, vận động cách mạng, lấy tên là báo Thanh Niên. Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên ra số đầu tiên, khởi đầu dòng báo chí cách mạng Việt Nam.
 
[links()]

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cũng là tờ báo chính trị đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Theo “Tổng quan Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925-2010”, báo Thanh Niên có hai thời kỳ phát triển. Thời kỳ thứ nhất từ số 01 đến số 88 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, biên tập, in và phát hành. Đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc chuyển vào hoạt động bí mật, rời Quảng Châu, báo Thanh Niên bắt đầu thời kỳ thứ hai, do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chỉ đạo.
 
Về hình thức, măng sét báo Thanh Niên in trên đầu trang 1, chạy từ trái sang phải vẽ ngôi sao năm cánh, bên trong ngôi sao viết số báo, tiếp đó là hai chữ Thanh Niên. Toàn bộ các trang báo được viết trên giấy sáp bằng bút thép. Báo thường có 2 trang, có số 4-5 trang, khổ trung bình 18x24cm. Báo in xong phần lớn được gửi về Việt Nam theo đường dây bí mật, còn lại được gửi đến các tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thái Lan, Trung Quốc, người Việt yêu nước tại Pháp và Quốc tế Cộng sản.
 
Về nội dung, thời kỳ thứ nhất, trong 88 số đầu (do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo), báo Thanh Niên đề cập đến các vấn đề: Mâu thuẫn giữa Việt Nam với Pháp, giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc nói chung; Xác định lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công-nông làm nền tảng; Nhận rõ con đường cách mạng, người cách mạng phải biết hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng và tổ chức quần chúng cách mạng, đặc biệt là tổ chức công nhân; Nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng các nước, khẳng định cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản thì mới giành được thắng lợi. Báo Thanh Niên ở thời kỳ thứ hai, từ số 89 trở đi, về tôn chỉ, mục đích, phong cách, thể loại, cách trình bày được kế tục, duy trì và phát triển. Tuy nhiên, nếu ở thời kỳ đầu, công tác biên tập, in và phát hành tương đối ổn định, không gặp nhiều trở ngại về cơ sở làm việc, kể cả tài chính, thì đến thời kỳ thứ hai do có bất lợi về tình hình chính trị, báo Thanh Niên phải chuyển vào bí mật, thường di động, phân tán, tài chính và vật liệu in có nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1929 báo Thanh Niên ngừng xuất bản.
 
Sự xuất hiện của báo Thanh Niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc hình thành chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam- Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Sự ra đời và hoạt động của báo Thanh Niên khiến chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa vô cùng lo lắng và tức tối. Nhà văn E.Cô-bê-lep trong tác phẩm “Đồng chí Hồ Chí Minh” đã viết: “Những kẻ cầm đầu chính quyền thuộc địa phải thừa nhận rằng những lời kêu gọi nồng nhiệt đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội của tờ báo cũng như việc vạch trần tội ác của bọn thực dân và bọn tay sai đã làm cho tờ báo phổ cập trong các giới tiến bộ ở Việt Nam.
 
Trong một báo cáo gửi lên toàn quyền Pháp ở Đông Dương có đoạn: Tờ báo do Nguyễn Ái Quốc lập ra không những được đọc ở Việt Nam mà còn được đọc ở nước ngoài, báo cũng thường được chép lại”. Nhận định về một bài đăng trên báo Thanh Niên số 61 ra ngày 18/9/1926 có tựa đề: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể đem lại cho nhân dân Việt Nam tự do, hạnh phúc”, nhà văn E.Cô-bê-lep viết: Bằng những chữ ấy, các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và nhà lãnh đạo tư tưởng của Hội đã thể hiện không chỉ quan điểm chính trị và niềm tin cộng sản của mình. Trước hết, họ muốn nói rằng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa một thời kỳ mới về chất, rằng việc nhanh chóng thành lập đội tiên phong cách mạng chân chính- Đảng Cộng sản, là một yêu cầu tất yếu khách quan.
 
Sự xuất hiện của báo Thanh Niên lúc bấy giờ cũng được coi là một phương thức hoạt động hoàn toàn mới lạ. Bởi ở thời điểm đó, khi hình thành một tổ chức, người ta chỉ biết đến phương thức tuyên truyền miệng, chưa ai nghĩ đến việc xuất bản báo chí để làm công cụ tuyên truyền. Sau báo Thanh Niên mở đường, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông Nông (1926), báo Lính Kách Mệnh (1927), chính thức khơi dòng chảy của nền báo chí cách mạng Viêt. Theo sách “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam”, từ năm 1925 đến 1930 đã có gần 40 tờ báo của các tổ chức cộng sản được xuất bản và phát hành bí mật. Đến năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì Tạp chí Đỏ và Báo Tranh Đấu được xuất bản để thay thế cho tất cả các tờ báo của các tổ chức cộng sản đã ra trước đó (Tạp chí Đỏ số 01 ra ngày 5/8/1930, Báo Tranh Đấu số 01 ra ngày 15/8/1930).
 
Để khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 2/5/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52/QĐ-TW lấy ngày 21/6 hàng năm là “Ngày báo chí Việt Nam” (hiện nay được gọi đầy đủ hơn là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”). Ý nghĩa của Ngày báo chí Việt Nam được Ban Bí thư nêu rõ: “Ngày báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc… Thông qua “Ngày báo chí Việt Nam”, các nhà báo cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của báo chí, khiến cho báo chí có thể phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
 
Tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên (21/6/1985), đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã gửi thư chúc mừng. Bức thư có đoạn: “Trong mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, báo chí cách mạng nước ta phát triển mạnh mẽ và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Những người làm báo, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đã tỏ rõ phẩm chất cách mạng tốt đẹp của mình. Nhiều nhà báo đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Báo chí Việt Nam xứng đáng là một bộ phận trong nền báo chí tiên phong của thời đại”.
 
Báo Thanh Niên khơi dòng báo chí cách mạng, một dòng báo chí đã có bề dày lịch sử 97 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, dòng báo chí  ấy đang hướng tới mục tiêu “xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại”.
 
HÀ MINH ĐÍCH

.