Những chiến công oanh liệt của nữ chiến sĩ tóc dài

04:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Quảng Ngãi đã tham gia chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của quê hương. Đặc biệt, các "đội quân tóc dài" đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt.
 
[links()]
 
Những cô gái anh hùng
 
Các nữ cán bộ, chiến sĩ trong Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (TX.Đức Phổ) năm xưa, vừa có dịp gặp nhau nhân Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đại đội (22/2/1972 - 22/2/2022). Họ cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của đại đội nữ đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương núi Ấn- sông Trà. Ngày ấy, họ là những cô gái tuổi đôi mươi đong đầy tình yêu quê hương, đất nước, hăng hái xung phong ra trận, quyết tiêu diệt quân thù, giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
 
Bà Huỳnh Thị Triết (68 tuổi), ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) kể, ngày  ấy, nhiều chị em trong đại đội chỉ mới 15, 17 tuổi. Sau 1 tháng vừa học chính trị, vừa huấn luyện quân sự, từ những chị em chưa từng quen biết nhau, chúng tôi đã trở thành một khối thống nhất, quyết chiến đấu để giải phóng quê hương. Dẫu gian khổ, hiểm nguy, nhưng tất cả đều không sờn lòng. "Đại đội có 60 chị em, chúng tôi yêu thương nhau như chị em ruột thịt. Trong chiến đấu, có 7 chị hy sinh. Ngày hòa bình trở về địa phương, tất cả chị em trong đại đội đều là thương binh. Chúng tôi luôn tự hào vì đã chiến đấu quên mình để quê hương, đất nước được hòa bình. Đó là những tháng năm không thể nào quên", bà Triết chia sẻ.
 
Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã phối hợp cùng với các đơn vị đánh địch hàng trăm trận, độc lập chiến đấu hàng chục trận. Đại đội đã phối hợp nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, khiến cho địch hoang mang, lo sợ. Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 
 
Bà Nguyễn Thị Dương, nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức, xem ảnh các chiến sĩ trong đội chụp vào ngày đất nước hòa bình. Ảnh: PV
Bà Nguyễn Thị Dương, nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức, xem ảnh các chiến sĩ trong đội chụp vào ngày đất nước hòa bình. Ảnh: PV
Trong kháng chiến chống Mỹ, Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức cũng là đơn vị tiêu biểu về sự kiên cường. Bà Nguyễn Thị Dương (72 tuổi), ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội nữ cối 82 ly bảo rằng, "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Chị em chúng tôi quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng quyết tiêu diệt quân thù. Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức được thành lập năm 1968 với 15 thành viên, độ tuổi từ 17 - 22. Chúng tôi được giao 6 khẩu pháo, trong đó 2 khẩu pháo 82 ly và 4 khẩu pháo 60 ly; phối hợp với các đơn vị, Đại đội 45, Đại đội 19 trên địa bàn huyện chiến đấu.
 
“Trong kháng chiến chống Mỹ, nữ chiến sĩ các đơn vị ở Quảng Ngãi rất quả cảm, tham gia hoạt động ở lực lượng bộ đội địa phương, tổ đội binh địch vận, đặc công của các huyện, thị xã tạo nên tiếng vang lớn. Các chị đã đóng góp công sức, hy sinh xương máu để giành hòa bình, độc lập cho dân tộc. Hội Cựu chiến binh tỉnh trân trọng sự đóng góp của những nữ chiến sĩ tóc dài trong kháng chiến. Trong thời bình, các chị phát huy truyền thống anh hùng, có nhiều đóng góp thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương". 
 
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
TRỊNH NGỌC MINH

Mỗi lần hành quân dù gian khổ nhưng không ai nản chí. Bà Phạm Thị Chín, nguyên Khẩu đội phó Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức kể, đơn vị hành quân đến nhiều xã trên địa bàn huyện, đi qua Đức Minh, Đức Thắng, Đức Chánh... Pháo rất nặng nhưng chị em vẫn động viên nhau cố gắng. Mỗi lần mở chiến dịch, lực lượng bộ đội, trinh sát, Đại đội 45, Đại đội 19 đi trước để hỗ trợ khẩu đội pháo làm nhiệm vụ. 

 
Bà Chín cho biết, khẩu đội cùng với Đại đội 19 đánh đồn Long Phụng chiếm lĩnh trận địa vào ngày 20/3/1975. Lúc này, quân địch hoang mang, tìm cách tháo chạy. Đến sáng ngày 23/3/1975, chúng tôi bắt sống nhiều tên địch, góp phần giải phóng huyện Mộ Đức. Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Hòa bình trở về địa phương, nữ chiến sĩ Khẩu đội nữ cối 82 ly huyện Mộ Đức mang trong người những vết thương, mảnh đạn do chiến tranh để lại. Song, họ vẫn cảm thấy mình may mắn vì còn sống, cảm nhận niềm hạnh phúc của ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Bà Dương với thương tích 61%, mảnh đạn vẫn còn trong bả vai trái, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. "Chúng tôi sống luôn cả phần những đồng chí, đồng đội đã nằm xuống, hy sinh vì Tổ quốc", bà Dương ngân ngấn nước mắt nói.
 
Gặp lại các cô gái “Trạm 9 cô” năm xưa 
 
Đến thăm nguyên Trạm phó Trạm 9 cô Nguyễn Thị Cẩn (76 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi xúc động và tự hào khi nghe kể về một thời hoa lửa của 9 cô gái ở “Trạm 9 cô”. Bà Cẩn cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở địa phận huyện miền núi  Sơn Tây có Trạm Giao liên quân bưu số 10 với quân số 9 thành viên, đều là nữ thuộc Tiểu đoàn D8, Trung đoàn E240, Cục Hậu cần Quân khu 5. Vậy nên, bộ đội khi qua đây gọi bằng tên thân thương là “Trạm 9 cô”.
 
Sau khi trạm được thành lập vào mùa hè năm 1967, các chị nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Người đào hầm, người tìm lồ ô, cây rừng, dây mây dựng lán trại để có chỗ cư trú, hoạt động. Các chị còn đảm nhận nhiệm vụ dẫn đường, đưa đón hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh từ Nam ra Bắc và ngược lại. Đây còn là nơi dưỡng thương, cứu chữa những thương bệnh binh. “Khi nhận được thông báo có đoàn quân cách mạng đi qua, chúng tôi đón và phân công một chị đi đầu dẫn đường, một chị đi cuối đưa qua khu vực. Ai bị thương thì ở lại cứu chữa, dưỡng thương. Đơn vị có bố trí đồng chí thực hiện công tác chăm sóc cho thương bệnh binh”, bà Cẩn cho hay.
 
Bà Nguyễn Thị Cẩn kể cho cháu nội nghe về “Trạm 9 cô” anh hùng.       Ảnh: PV
Bà Nguyễn Thị Cẩn kể cho cháu nội nghe về “Trạm 9 cô” anh hùng. Ảnh: PV
Ngày ấy, các cô gái ở "Trạm 9 cô" ở tuổi mười tám, đôi mươi, không sợ rừng sâu, không ngán bom đạn. Lòng yêu nước, ý chí kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã tiếp cho các chị nguồn sức mạnh. Các chị vượt hàng chục, hàng trăm ki lô mét mỗi ngày, băng rừng, lội suối hoàn thành tốt nhiệm vụ giao liên, tải đạn nặng 60 - 70kg trên lưng đưa đến các căn cứ.
 
Bà Cẩn nhớ lại, chúng tôi làm nhiệm vụ khi trên đầu là máy bay địch. Vậy mà, có ai sợ đâu, cứ lẩn vào cây cối mà đi. “Đó là vào năm 1970, tôi nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải khi trên đường về căn cứ. Lúc ấy, thời tiết nóng bức nên tôi nhúng khăn tay vào nước suối để lau mặt. Cảm giác đôi mắt nóng rực và đôi mắt bị thương đến giờ. Hiện mắt phải đã mù, mắt trái nhìn thấy mờ mờ. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ,  tôi bị mảnh bom văng trúng. Bây giờ, mảnh đạn vẫn còn găm trên đỉnh đầu”, bà Cẩn cho biết.
 
Thương tích đầy người, vậy mà bà Cẩn và các chị ở “Trạm 9 cô” vẫn không sợ. Sau khi được cứu chữa, các chị lại tiếp tục quay lại với công việc giao liên, dẫn đường, tăng gia sản xuất, vận động nhân dân đóng góp lương thực phục vụ cách mạng cho đến ngày đất nước toàn thắng.r
 
MINH ANH - DƯƠNG NỮ
 
 

.