Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới

02:08, 11/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ họp thứ nhất được tổ chức thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, đưa ra những quyết sách đúng đắn mang tính chiến lược, nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước; đồng thời quyết định bổ sung nghị quyết để đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều này khẳng định, Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
[links()]
Tại kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
 
Bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao  
 
Báo cáo tại kỳ họp, Quốc hội khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thành công tốt đẹp, qua đó bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu HĐND các cấp. Quốc hội yêu cầu các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nêu cao trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, kịp thời hiến kế để ban hành các quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.               Ảnh: vov.vn
Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: vov.vn
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 4 Thẩm phán TAND Tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND Tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
 
Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tích cực lắng nghe, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, phát triển bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2026, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành 29 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025) và Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV...  
Thông qua nhiều quyết sách quan trọng
 
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; cải cách chính sách thu - chi; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước...
 
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021  -  2025), với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể có sự lựa chọn ưu tiên để vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo...
 
Chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch Covid-19
 
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
 
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
 
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: Áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch...
 
    PHƯƠNG LÝ 
(tổng hợp)
 

.