(Báo Quảng Ngãi)- Câu chuyện bằng cấp nhiều năm gần đây luôn là chủ đề nóng trong cộng đồng xã hội, nhất là trên không gian mạng. Nhiều ý kiến đa chiều, cả về mặt tích cực và tiêu cực, nhưng bao trùm và chủ đạo vẫn là luồng ý kiến bày tỏ sự băn khoăn trước “nạn chạy bằng cấp” và hiện thực có phần vô lý về việc phải “lo” bằng cấp một cách hình thức, mà ít chú trọng đến năng lực thật của cán bộ, nên việc đánh giá, sử dụng vẫn còn đó những trăn trở.
[links()]
Chống tình trang chạy bằng cấp
Học là việc thiết yếu đối với mỗi con người nói chung, cán bộ nói riêng. Nó giúp cán bộ làm giàu tri thức, bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng công tác, khả năng cống hiến; bồi đắp thêm những giá trị nhân cách làm người, làm cán bộ. Thế nhưng, nếu nhầm tưởng giữa việc học với việc thực hiện mục tiêu lấy bằng cấp; lẫn lộn giữa cái đích học để tiến bộ với học để tiến thân thì đó quả là một sai lầm, thậm chí là khuyết điểm nghiêm trọng! Thực tế, có không ít cán bộ còn “tự thả trôi mình” theo dòng chảy của xu hướng sính bằng cấp một cách đầy nghịch lý.
Có lẽ vì thế mà hiện tượng bằng giả và "chạy" bằng cấp đã và đang nở rộ; trở thành biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống được Trung ương xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đây vẫn là câu chuyện muôn đời cũ, nhưng tình trạng diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp. Ví như, năm 2004, Bộ GD&ĐT đã có đợt thanh tra, phát hiện hơn 10 nghìn trường hợp dùng bằng giả. Gần đây, cơ quan chức năng cũng “điểm mặt, xướng tên” nhiều trường hợp sử dụng bằng giả và tệ chạy bằng cấp ở cả những cán bộ quyền cao, chức trọng.
Không ít câu chuyện về bằng cấp của cán bộ nổi lên gây nhức nhối dư luận. Từ nguồn tin của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện nhiều người sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, được thăng quan tiến chức, “trèo cao, chui sâu” vào hệ thống chính trị. Với sai phạm này, nhiều cán bộ đã bị cách chức, giáng chức, buộc chuyển công tác và bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc; nhưng xem ra việc giải quyết thực trạng này mới chỉ dừng lại ở phần ngọn. Vậy nên, bài toán chống tệ sính bằng, chạy bằng, làm bằng giả cần phải có lời giải thuyết phục từ gốc rễ và có tính toàn diện, lâu dài; mà trước tiên phải bắt đầu từ việc sớm thay đổi tư duy, cung cách ứng xử của con người đối với bằng cấp.
Không nên cứng nhắc
Chuẩn hóa tiêu chí bằng cấp đối với các chức danh cán bộ là việc cần làm, là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao về trình độ, năng lực. Thế nhưng, nếu cứ áp dụng sơ cứng, mặc định bằng cấp, chứng chỉ là tiêu chí duy nhất bất biến thì vô hình trung chúng ta đang tự tạo ra những hệ lụy nguy hiểm, đi ngược lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trọng dụng, sử dụng cán bộ.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu cố nhiên không coi nhẹ bằng cấp, Người chỉ phê bình thói “chuộng bằng cấp”, học “chỉ thích đỗ đạt bằng cấp” để “thăng quan tiến chức” mà không phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Người đã răn dạy: Các cô, các chú nên bỏ tư tưởng không đúng, khinh lao động chân tay, trọng lao động trí óc, nên bỏ tư tưởng học văn hóa để tìm bằng cấp.
Theo Bác, chạy theo bằng cấp là một trong những tàn dư của chính sách giáo dục thực dân phản động. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng Hà Nội, ngày 31/10/1955, Bác căn dặn: Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ.
Trong thực tiễn, việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ được Bác vận dụng sáng tạo giữa bằng cấp và trọng dụng nhân tài. Điển hình nhất trong cách dùng cán bộ của Bác là trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel (năm 1992), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người nhắc lại, tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự”. Cũng từ đó, một cán bộ từng là giáo viên dạy lịch sử, một nhà báo, không có bằng cấp cao về quân sự, đã từng bước trở thành vị tướng lừng danh của dân tộc và thế giới.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người
Thấm nhuần tư tưởng và noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đến lúc chúng ta cần có tư duy, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của bằng cấp, chứng chỉ. Bằng cấp phần nào thể hiện trình độ, kiến thức, tư duy, trí tuệ, năng lực của mỗi người và đó là một trong những tiêu chí quan trọng để cơ quan có thẩm quyền thêm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Tuy vậy, bằng cấp chỉ có giá trị khi người sử dụng phải được học hành, đào tạo nghiêm túc với một lượng kiến thức, trình độ, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy chuẩn và luật hóa theo quy định.
Để phòng ngừa, trị bệnh chạy bằng, sính bằng, trong quá trình tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, nên xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần, chứ không phải quan trọng nhất, duy nhất. Tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải thông qua công tác sát hạch, kiểm tra một cách nghiêm túc, thực chất, khách quan, công bằng, minh bạch để tìm kiếm, lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực toàn diện nhất bố trí vào cương vị tương xứng. Trên thực tế, rất nhiều cán bộ dù không có nhiều bằng cấp, thậm chí là bằng cấp không cao, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ trở thành những điển hình tiêu biểu trong sự nghiệp cách mạng, được quần chúng yêu mến, kính trọng; được tổ chức ghi nhận, tín nhiệm bầu, đề cử lên các chức vụ chủ trì, chủ chốt; thậm chí là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các cơ quan tổ chức cán bộ cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, phải phòng chống, ngăn chặn tình trạng lợi dụng, ỷ thế vào quyền lực để tranh thủ cho con em mình đi học, đi đào tạo nhằm hợp pháp hóa bằng cấp, cố tình "giữ chỗ, giữ ghế" chờ thời cơ bổ nhiệm. Nói như vậy để thấy, việc một số con em cán bộ lãnh đạo ở nhiều nơi thời gian qua thi nhau đi du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để “tô son, điểm phấn” lý lịch cá nhân bằng những tấm bằng, chứng chỉ “đẳng cấp”, rồi trở về nước làm trong bộ máy công quyền, sau đó được bổ nhiệm thần tốc cũng là một thực tế đáng quan ngại.
Về lâu dài, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Phải làm sao để những người làm việc trong bộ máy công quyền luôn đề cao ý thức tự trọng, liêm sỉ, có động cơ phấn đấu lành mạnh, nỗ lực tiến thân bằng tinh thần cầu thị, cầu tiến để có thể “học thật, bằng thật, làm thật, kết quả thật, uy tín thật” đối với tổ chức và nhân dân.
NGUYỄN TẤN TUÂN