(Báo Quảng Ngãi)- Hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã ghi lại ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xoay quanh nội dung phát triển bền vững kinh tế biển đảo, nông nghiệp công nghệ cao.
Cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân, chủ phương tiện khi bị tai nạn trên biển. Ảnh: Ý THU |
Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Trong thời gian đến, cần “phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các Khu kinh tế - quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo, kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.
Những năm qua, kinh tế biển ở Quảng Ngãi được kỳ vọng phát triển với điểm nhấn là hệ thống cảng biển Dung Quất. Tuy nhiên, hàng hóa qua cảng chưa đa dạng, chủ yếu gắn với Nhà máy lọc dầu Dung Quất và một số dự án về công nghiệp nặng trên địa bàn. Dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cảng biển, ngành logistics hầu như chưa phát triển. Vì vậy, để phát triển kinh tế biển bền vững, thời gian đến, Quảng Ngãi cần tập trung phát triển dựa trên 5 trụ cột và vận dụng Chiến lược kinh tế biển theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 19.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Cảng biển và các dịch vụ logistics; công nghiệp chế tạo, chế biến gắn với lợi thế cảng biển; du lịch biển đảo; ngư nghiệp và năng lượng tái tạo.
Tôi rất đồng tình và phấn khởi khi dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập nhiều đến phát triển kinh tế biển. Trong đó, nhấn mạnh: “Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ”.
Những năm qua, thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ và của tỉnh, ngư dân Quảng Ngãi không ngừng nâng cấp tàu cá với trang thiết bị hiện đại. Nhờ đó, tàu cá công suất lớn có khả năng khai thác xa bờ tăng lên đáng kể cả về số lượng và công suất, nên Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh đứng ở tốp đầu cả nước về số lượng tàu thuyền có mặt tại vùng biển xa bờ.
Tuy nhiên, để Quảng Ngãi trung phát triển bền vững nghề đánh bắt xã bờ và nuôi trồng hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh như dự thảo các Văn kiện Đại hội đề ra, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các chính sách liên quan đến đầu tư hạ tầng nghề cá và hỗ trợ ngư dân. Hiện tại, các cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu neo trú tàu thuyền trong tỉnh. Nhiều cửa biển lớn của tỉnh như Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Cửa Đại (TP.Quảng Ngãi)... bị bồi lấp, nhưng chưa có kinh phí, giải pháp khắc phục triệt để, khiến phần lớn ngư dân trên địa bàn tỉnh phải neo trú ở các cảng cá của những địa phương khác.
Mặt khác, là nghề có chi phí đầu tư lớn, nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro trên biển, vì vậy, ngư dân rất cần có chính sách hỗ trợ riêng, đặc thù khi gặp rủi ro, thiệt hại trong quá trình đánh bắt thủy sản trên biển. Bởi trên thực tế, những năm trở lại đây, số ngư dân bị chìm tàu (do thiên tai, bị đâm va...) ngày càng nhiều. Nhiều ngư dân bị thiệt hại lên đến 5 - 7 tỷ đồng, nhưng số tiền hỗ trợ không đáng kể, nên gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất.
Khi chuyển từ nghề cá truyền thống sang nghề cá sử dụng trang thiết hiện đại và chuyên nghiệp, ngư dân thường gặp nhiều lúng túng trong tiếp cận công nghệ mới. Ngoài ra, do đặc thù đi biển liên tục, ít có thời gian tìm hiểu, nên nhiều ngư dân còn khá “mơ hồ” với những quy định liên quan tới pháp luật về tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Do đó, ngư dân rất cần được tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, giới thiệu cách vận hành máy móc, các thương hiệu máy móc uy tín, cũng như phổ biến một cách dễ hiểu, dễ nhớ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản trên biển. Để từ đó ngư dân từng bước phát triển nghề cá chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi, nhưng với sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền, nên những năm qua, công ty hoạt động ổn định, từng bước đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao, với gần 200 con nái và 5.000 con heo thịt ở 4 trang trại. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, công ty vẫn còn gặp một số khó khăn do thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ, cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu trong ngắn hạn và trung hạn. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp (DN), tôi kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần này sẽ tiếp tục đề ra những quyết sách mới và thiết thực, “tiếp sức” để DN lớn mạnh và cống hiến. Nội dung nghị quyết cần sát với thực tiễn, đảm bảo những quyết sách đi đúng hướng, đúng đường lối mà Đảng, Nhà nước đã đề ra và đúng đối tượng thụ hưởng.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghiệp cao, do chi phí đầu tư lớn, nhưng rủi ro cao, cộng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, nên tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, sớm ban hành các chính sách khuyến khích đặc thù đối với DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Chủ yếu là tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chính sách thuê và tích tụ đất, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ... cũng như hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân - DN - khách hàng, giúp DN phát triển ổn định và bền vững.
Ý THU - MỸ HOA