Góp ý vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII:
Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030

03:11, 11/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong 4 Văn kiện quan trọng do Trung ương Đảng công bố và lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân lần này là Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Nội dung cốt lõi thể hiện những định hướng chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới.
[links()]
Những định hướng chiến lược 
 
So với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, dự thảo lần này đưa thêm chủ đề mang tính định hướng chiến lược cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của người dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 
 
Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.                         Ảnh: PV
Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PV
 
Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công nhân Công ty TNHH Mensa Industries (KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi) Đặng Hồng Sơn cho rằng: Dự thảo các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, chặt chẽ, mang tầm chiến lược, phản ánh đúng thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước.
 
Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo văn kiện, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất trí với đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020), 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
 
Các quan điểm về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã được thể hiện rất rõ ràng. Tôi đề xuất lựa chọn mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo phương án 2 “Đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 là nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao.
 
"Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn. Từ đó nâng cao đời sống nhân dân, có văn hóa - xã hội phát triển, đồng thời giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển...", anh Sơn bày tỏ.
 
Quan điểm phát triển trong dự thảo có nội hàm mới, thể hiện yêu cầu về chất trong phát triển nhanh và bền vững; ứng dụng thành tựu phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; phát huy hiệu quả, ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yếu tố sức mạnh, ý chí con người; tích cực, chủ động, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ hội nhập kinh tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển...
 
Mang khát vọng phát triển
 
Qua tổng hợp ý kiến góp ý tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ngãi và góp ý của đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu đề ra của phương án 1 hơi cao so với điều kiện nước ta; đề nghị xem xét lại thời gian để trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao (nên đến năm 2040) và xem xét chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5% cho phù hợp với Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27.9.2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là khoảng 7,5%/năm. 
 
Cùng với đó là góp ý bổ sung các nhóm giải pháp như: Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường quyền sử dụng đất là một nhiệm vụ rất quan trọng, là đột phá để giải phóng và thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội. Vì đến nay, đất đai vẫn là một điểm nghẽn lớn cho quá trình phát triển của đất nước; có cơ chế, chính sách để mạng xã hội Việt tạo ra được nhiều dịch vụ tiện ích và giá trị gia tăng, phù hợp với người dùng tại thị trường Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, hiện nay ở nông thôn, rác thải, chất thải rắn, gây ô nhiễm môi trường... trở thành một vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, trung ương cần có chính sách, biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, rác thải và ô nhiễm không khí... Đặc biệt, cần tập trung xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo vệ pháp luật, công lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt...
 
Cùng với dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã thể hiện những quan điểm, chủ trương, phương hướng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
THANH THUẬN
 
 
 

.