Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về khắc phục hậu quả bão số 9 gắn với phòng, tránh lũ lụt

08:10, 30/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiều ngày 29.10.2020, sau khi nghe đồng chí Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình thiệt hại ban đầu do Bão số 9 và lũ sau bão trên địa bàn tỉnh, kế hoạch khắc phục trong thời gian đến (Báo cáo số 932-CV/BCS ngày 29.10.2020 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh); ý kiến tham gia của các đồng chí dự họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và kết luận như sau:
Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, chủ động và quyết liệt công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 9, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, tránh bão số 9, hạn chế được thiệt hại về người, tài sản của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.
 
Sau khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Để kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 9, đồng thời trong thời gian đến, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường; theo dự báo, sẽ tiếp tục có những cơn bão đổ bộ vào miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Để chủ động các biện pháp ứng phó với tình thời tiết phát sinh, đồng thời chủ động khắc phục hậu quả của bão số 9 gắn với phòng, tránh lũ lụt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
 
1. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương:
 
- Đôn đốc, rà soát, kiểm tra việc thống kê, xác minh, chuẩn xác, thống nhất các vấn đề liên quan đến thiệt hại do bão số 9 gây ra.
 
- Tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
 
- Tập trung huy động các lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, các công trình trọng điểm, huyết mạch; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa, lũ, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân.
 
- Đảm bảo kịp thời cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường cho người dân; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
 
- Tiếp tục thực hiện việc bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, công trình thủy điện, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn cao; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.
 
- Triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, khu vực khai thác khoáng sản, các trang trại.
 
- Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền về diễn biến của thời tiết.
 
- Có kế hoạch chỉ đạo hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại về nhà ở theo hướng các hộ gia đình có nhà sập hoàn toàn không thể sử dụng được; hỗ trợ cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn không nơi nương tựa có nhà ở bị tốc mái, hư hỏng (lưu ý mức độ hư hỏng nặng). Riêng mức hỗ trợ cụ thể, giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
 
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, vật liệu xây dựng (tole, xi măng, gạch, ngói, sắt,...) trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn tỉnh.
 
2. Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy:
 
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình, cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền để có phương án, biện pháp khắc phục, để sớm đưa vào hoạt động bình thường.
 
- Xây dựng kế hoạch cụ thể khắc phục hậu quả sau bão số 9 và các biện pháp ứng phó với các diễn biến thời tiết bão, lũ bất thường có thể xảy ra. Chỉ đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông tin đến các địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời.
 
- Khảo sát, nắm chắc các địa điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có kế hoạch, phương án di dời, sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân để sớm ổn định cuộc sống nhân dân.
 
- Nắm chắc số lượng, mức độ bị thiệt hại do bão số 9 gây ra để xác định chuẩn xác đối tượng được hỗ trợ, bảo đảm công khai, công bằng, đúng đối tượng, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu nại, tố cáo.
 
3. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện khắc phục hậu quả sau bão số 9 và ứng phó với thời tiết thiên tai phát sinh; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
 
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết để khắc phục hậu quả do bão gây ra và chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ.
 
5. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động huy động các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở, tham gia giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau bão.
 
6. Các lực lượng chức năng, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác.
 
T/M BAN THƯỜNG VỤ
                                                                                                                                    Bí thư
BÙI THỊ QUỲNH VÂN
 

.