Một thời "hoa lửa" trên mặt trận thông tin liên lạc

02:09, 13/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một lực lượng không chỉ đưa, nhận thư mà còn là những người lính tiên phong dẫn đường cho cán bộ ra vào căn cứ. Họ chính là những người lính giao bưu, luôn vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để đảm bảo “mạch máu” thông tin liên lạc luôn thông suốt.
 
Gùi nặng vai nơi rừng khuya, vực sâu
 
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí của bà Khấu Thị Nhung (68 tuổi), quê ở xã Bình Khương (Bình Sơn), ký ức về những năm tháng gian khổ luồn rừng, lội suối đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư từ phục vụ cách mạng vẫn còn vẹn nguyên như mới vừa hôm qua. 
Nữ giao liên Khấu Thị Nhung lần giở những tấm ảnh của mình và đồng đội tại trạm B4 (Minh Long).
Nữ giao liên Khấu Thị Nhung lần giở những tấm ảnh của mình và đồng đội tại trạm B4 (Minh Long).
“Đó là những năm tháng mà cán bộ, chiến sĩ giao bưu trạm B4 (Minh Long) chúng tôi đi bộ liên tục trong rừng bất kể ngày đêm. Rừng núi hiểm trở, bao la, nên dù gùi công văn, kiện hàng nặng mấy mươi ký trên vai, nhưng chúng tôi cứ thế leo hết con dốc này là đến con dốc khác, lội hết suối này đến suối khác. Cực nhất là vào mùa mưa, vừa gùi thư, vừa đi bộ dưới cơn mưa rừng lạnh cắt da cắt thịt. Gặp lũ quét, gặp thú dữ... vốn đã trở thành những chuyện rất đỗi bình thường với người làm công tác giao bưu”, bà Nhung bồi hồi nhớ lại.
 
Gian khổ là thế, nhưng không ai nản lòng. Bởi với họ, đây chính là nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó. “Làm người lính giao bưu, chúng tôi ai nấy đều “nằm lòng” rằng, dù có cận kề cái chết, thì cũng không được quên nhiệm vụ bảo mật tuyệt đối thông tin, không được để văn thư, thư từ rơi vào tay địch. Còn khi làm nhiệm vụ dẫn đường, chúng tôi xác định, luôn trong tâm thế sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho cán bộ, cơ sở mà mình dẫn đường”, người lính giao bưu trạm B12 (Sơn Tịnh) Nguyễn Văn Chính (68 tuổi) tâm sự. 
Những dòng nhật ký về mẹ được bà Khấu Thị Nhung viết trong những năm tháng làm giao liên giữa rừng núi Minh Long.
Những dòng nhật ký về mẹ được bà Khấu Thị Nhung viết trong những năm tháng làm giao liên giữa rừng núi Minh Long.
Gia đình của ông Nguyễn Văn Chính có 3 anh em trai, thì cả 3 anh em đều cống hiến cho “mặt trận” thông tin - liên lạc. Năm 1970, ông Chính tự hào khi được chính thức tham gia vào lực lượng giao bưu khi vừa tròn 18 tuổi, cũng chính là năm mà anh trai ông là Nguyễn Văn Chánh - một chiến sĩ giao bưu của trạm B3 đã anh dũng hy sinh ngay tại dốc Đá Lửa (Trà Bồng) khi đang làm nhiệm vụ dẫn đường.
 
Giữ “mạch máu” thông tin liên lạc
 
Theo tư liệu tại quyển lịch sử Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi 1930 - 1975, trong suốt 21 năm chống Mỹ, những cán bộ, chiến sĩ giao liên Quảng Ngãi đã vượt hàng triệu kilômét đường rừng để tiếp nhận, chuyển phát trên 20 triệu công văn, thư từ, tài liệu và đưa đón hàng trăm nghìn lượt cán bộ, bộ đội... 
Những người lính giao liên năm xưa thường hẹn gặp nhau mỗi năm một lần và cùng vun đắp tình đồng chí.
Những người lính giao liên năm xưa thường hẹn gặp nhau mỗi năm một lần và cùng vun đắp tình đồng chí.
Trong nhiều chiến dịch như chiến dịch Thu 1967, Thu 1972, lực lượng giao bưu không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn lo dân công, gạo nước, súng đạn, kề vai sát cánh cùng các lực lượng khác trong giải cứu quân ta khỏi các nhà lao địch.
 
Lặng thầm mà quả cảm, nên suốt những năm tháng chiến tranh khói lửa, đã có gần 140 cán bộ, chiến sĩ của ngành giao bưu anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Trong đó, có những tấm gương anh dũng hy sinh mà đến tận bây giờ nhiều người lính giao liên vẫn còn rưng rưng niềm xúc động khi nhắc đến. “Đồng chí Trần Quốc Hoan, chiến sĩ giao bưu huyện Mộ Đức, bị địch phục kích bắn bị thương, nhưng vẫn cố gắng bò đến hàng rào đốt cháy tài liệu trước lúc hy sinh. Đồng chí Trương Tề khi đưa cán bộ từ cơ sở lên tỉnh, trên đoạn đường hành lang Tân An- Sơn Giang thường hay bị địch phục kích, đồng chí Tề đã hy sinh để số cán bộ đi sau rút lui được an toàn... Những đồng chí ấy, lúc cận kề cái chết, cũng vẫn đặt việc bảo vệ bí mật tài liệu, bảo vệ an toàn cho cán bộ mà mình dẫn đường lên trên”, bà Khấu Thị Nhung trầm ngâm.
Tình đồng đội còn mãi
 
“Hòa bình lập lại, người thì về Bình Sơn, người về Đức Phổ, Mộ Đức... Mỗi người, đều có cuộc sống và nghề nghiệp mới cho riêng mình, chỉ còn số ít “bám trụ” với ngành bưu điện. Nhưng dù bận rộn đến mấy, thì mỗi năm một lần, những người cán bộ, chiến sĩ giao bưu chúng tôi đều sắp xếp thời gian gặp mặt nhau để hàn huyên, ôn lại chuyện xưa và kể cho nhau nghe chuyện nay”, ông Nguyễn Văn Chính cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 
 
 

.