(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức (CB, CCVC) tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn có tình trạng chủ quan, nể nang, dẫn đến chưa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của từng người. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP (NĐ90) thay thế Nghị định 56/2015 và Nghị định 88/2017.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”... Nguyên nhân của tình trạng này là do “chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP.Quảng Ngãi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Do đó, NĐ90 có hiệu lực từ ngày 20.8.2020 là cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá CB, CCVC chính xác và khách quan hơn. Nghị định đã quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với CB, CCVC. Nghị định 90 đưa ra tiêu chí chung để đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CCVC gồm: Chính trị tư tưởng; đạo đức lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nghị định quy định rõ về tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ...
Nội dung các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CCVC cũng có nhiều thay đổi, vừa chi tiết, vừa bao quát, toàn diện. Trong đó bỏ tiêu chí “có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến, giải pháp cụ thể, được áp dụng có hiệu quả” nhằm khắc phục tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm, tính hình thức khi công nhận đề tài, sáng kiến.
Việc quy định về giải quyết kiến nghị đối với kết quả đánh giá, xếp loại sẽ phát huy và bảo đảm quyền lợi của CB, CCVC khi không nhất trí với kết luận đánh giá, xếp loại chất lượng đối với mình.
Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Trần Thị Minh Tuyền cho biết: Để việc đánh giá, phân loại công chức, người lao động tại đơn vị sát với thực tế, Thanh tra tỉnh xây dựng đề án vị trí việc làm cho từng chức danh. Trên cơ sở đề án này, năm 2017, Thanh tra tỉnh ban hành quy trình và tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, người lao động. Việc đánh giá, phân loại tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo những tiêu chí cụ thể với thang điểm 100.
Thanh tra tỉnh xây dựng các biểu mẫu về bảng tiêu chí đánh giá dùng cho từng đối tượng là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, công chức giữ chức vụ lãnh đạo và người lao động. Trong đó, lãnh đạo các phòng theo dõi, chấm điểm cho nhân viên rồi tổng hợp gửi văn phòng và văn phòng tổng hợp báo cáo chánh thanh tra để chỉ đạo, xem xét, quyết định kết quả đánh giá, phân loại từng công chức, người lao động. Để việc đánh giá được khách quan, trung thực, hằng tháng, Phòng Nghiệp vụ 5 theo dõi đầu việc của các phòng, lên danh mục gửi lãnh đạo các phòng rà soát công việc nào chậm, công việc đó do ai đảm nhận, nguyên nhân vì sao chậm, để giải trình với lãnh đạo cơ quan tại buổi giao ban hằng tháng và ghi vào bảng theo dõi công việc.
“Việc đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CCVC căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đây là cơ sở để đánh giá, bình xét thi đua cuối năm. Việc này khắc phục tình trạng nhận xét, đánh giá theo kiểu cảm tính, nề nang...”, bà Tuyền nhận định.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng, NĐ90 là cơ sở, căn cứ để khắc phục những hạn chế, bất cập trong nhận xét, đánh giá CB, CCVC như lâu nay. Việc này giúp cho việc nhận xét chính xác, khách quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị.
Điểm mới trong nghị định này là đã phân cấp để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý CB, CCVC ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng CB, CCVC ban hành quy chế đánh giá nhằm xác định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong đánh giá CB, CCVC thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá phải cụ thể, sát hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm công tác đánh giá, xếp loại thực chất, khách quan, công bằng, chính xác; khắc phục tình trạng cảm tính, nể nang, dễ dãi, trù dập, thiên vị hoặc định kiến cá nhân...
“Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CB, CCVC là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với CB, CCVC nên phải làm công tâm, khách quan, đúng với thực tế”, ông Dụng nói.
Bài, ảnh: BÁ SƠN