Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên

08:08, 11/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 có đề ra các nhóm giải pháp về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây cũng là nội dung được cán bộ, nhân dân đặc biệt quan tâm...
Còn nhiều hạn chế
 
Theo đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội, trong 5 năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên có một số mặt chuyển biến tích cực. Tỉnh đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020); cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; nguồn lực đất đai được sử dụng cơ bản hợp lý. Tỉnh đã mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường. Chất lượng môi trường sống từng bước được nâng lên, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Tuy nhiên, dự thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp chưa hiệu quả. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác đá, sỏi, cát trái phép còn diễn ra nhiều nơi. Nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thấp; bảo tồn đa dạng sinh học chưa được chú trọng.
 
Việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu có mặt còn hạn chế. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao, tính dự báo thấp, chưa gắn với điều kiện thực tế của địa phương, thiếu thông tin quản lý, dẫn đến bất cập trong quy hoạch và quản lý quy hoạch; phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế phát triển. Tình trạng khai thác nguồn nước ngầm ồ ạt, thiếu kiểm soát, khiến tình trạng xâm nhập mặn gia tăng. Hầu như các công trình cấp nước sạch cho miền núi (vốn đầu tư từ ngân sách - PV) chưa phát huy hiệu quả. Nhiều diện tích đất công giao cho tổ chức quản lý, sử dụng, nhưng kém hiệu quả, để hoang hóa.
 
Kiên quyết từ chối dự án có công nghệ lạc hậu
 
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
 
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp xử lý nước thải, rác thải, các sản phẩm từ tro, xỉ của ngành công nghiệp luyện kim, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu, luyện kim, cơ khí, điện - điện tử, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm. 
 
 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Lý Sơn.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Lý Sơn.
 
Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Thanh Trường, quan điểm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như dự thảo nêu là hướng đến phát triển bền vững. Với vai trò là cơ quan thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư, Sở sẽ thực hiện nghiêm túc, chất lượng vấn đề này. Tuyệt đối không tham mưu tỉnh triển khai dự án khi chưa thẩm định về công nghệ, nhất là dự án liên quan đến lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. 
 
Theo ông Trường, thực tế thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường từ một số nhà máy do công nghệ lạc hậu đã thấy rõ. Vấn đề khắc phục ô nhiễm rất phức tạp, tốn kém, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, ngay từ đầu cần thẩm định kỹ công nghệ, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới cấp phép triển khai dự án. Mặc dù trải thảm thu hút đầu tư, nhưng cũng cần phải kiên quyết nói không với dự án có công nghệ lạc hậu. Quan điểm của tỉnh không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
 
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết: Tỉnh sẽ xây dựng, ban hành các tiêu chí về môi trường để sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư; phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Đồng thời, xác lập danh mục các ngành, lĩnh vực sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để hạn chế đầu tư ở tỉnh.
 
Kiên quyết bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong các dự án đầu tư. Tập trung rà soát các tác động môi trường của các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với đó là, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải.
 
Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên
 
Về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình đại hội, Tỉnh ủy đã mạnh dạn đặt ra các yêu cầu về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo đó, tỉnh sẽ đặt các vấn đề này ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Đánh giá đầy đủ, toàn diện về trữ lượng khoáng sản và các loại tài nguyên.
 
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản và tài nguyên. Chấn chỉnh, siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước, quản lý chặt chẽ khai thác tài nguyên nước, ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước, nhất là ở Lý Sơn và các địa phương ven biển.
 
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng TN&MT huyện Nghĩa Hành Nguyễn Tấn Trung, giải pháp quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất là thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Chẳng hạn đối với đất công, cần phải quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí; khai thác quỹ đất phải có lộ trình, nhất là giao đất cho doanh nghiệp làm khu dân cư, khu đô thị. Đồng thời, việc khai thác quỹ đất, khoáng sản, đặc biệt là giao cho nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, để nhân dân biết, giám sát việc thực thi. Trong lĩnh vực này, càng công khai, minh bạch, thì hiệu quả quản lý, sử dụng càng cao.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.