(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, huyện Mộ Đức đã khoác trên mình một diện mạo mới. Kinh tế - xã hội phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng cao... Những đổi thay đó là kết quả từ sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộ Đức trong việc khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đột phá trong xây dựng hạ tầng
Điều dễ nhận thấy khi về Mộ Đức hôm nay là sự đổi thay về hệ thống kết cấu hạ tầng. Thị trấn Mộ Đức đã và đang triển khai nhiều dự án về giao thông, khu dân cư và các công trình công cộng, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Ngoài ra, hàng loạt công trình lớn về giao thông, thủy lợi... đã xây dựng hoàn thành, tạo điểm nhấn về phát triển đô thị trên địa bàn Mộ Đức.
Trung tâm thị trấn Mộ Đức. |
Ông Huỳnh Báu, người dân ở tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức cho hay: Từ năm 2015 đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn được đầu tư khá nhiều. Người dân rất mừng vì sự thay đổi này, đời sống thì không ngừng nâng lên.
Có được những đổi thay như trên là nhờ Đảng bộ huyện đã xác định và thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Mộ Đức đã phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng với nhiều công trình, dự án trọng điểm, có tính đột phá.
Trong nhiệm kỳ qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội của Mộ Đức gần 12 nghìn tỷ đồng. Hiện nay huyện đã thu hút 19 dự án khu dân cư, gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, tạo chuyển biến mới trong phát triển đô thị. Dự kiến đến cuối năm 2020, thị trấn Mộ Đức đạt chuẩn đô thị loại V; đô thị Thạch Trụ, Nam Sông Vệ đạt một số tiêu chí đô thị loại V.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm trên địa bàn Mộ Đức là 11.354 tỷ đồng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 20%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết 19%). Trong đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5%; công nghiệp, xây dựng tăng gần 23%; thương mại và dịch vụ tăng 20%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt gần 38 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%. Thu ngân sách tăng 2,4 lần so với nhiệm kỳ trước. |
Phát triển nông nghiệp hàng hóa
Nhờ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong các cụm công nghiệp và tại thị trấn Mộ Đức, Thạch Trụ, Nam Sông Vệ, nên các đô thị này đã thu hút 14 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ đăng ký đầu tư, với số vốn 1.967 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, điểm sáng trong chiến lược phát triển kinh tế ở huyện Mộ Đức nhiệm kỳ 2015 - 2020 là chú trọng đầu tư, phát huy lợi thế của vùng kinh tế phía đông và phía tây. Đối với phía đông, huyện quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh diện tích trên 700ha. Nơi đây đã có một số mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao cho sản phẩm chất lượng.
Trang trại bò sữa Vinamilk đã đưa vào hoạt động, tạo động lực phát triển cho huyện Mộ Đức. Ảnh: Văn Trọng |
Ở khu tây thì hình thành vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng. Khu vực này hiện có 9 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, Trang trại bò sữa Vinamilk ở xã Đức Phú, với quy mô 4.000 con bò, tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng sản xuất phía tây của huyện. Nhờ lựa chọn hướng đi đúng, nên kinh tế nông nghiệp của Mộ Đức tiếp tục phát triển.
Trong 5 năm qua, nông dân Mộ Đức đã từng bước tiếp cận sâu hơn phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại. Họ coi trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trên địa bàn Mộ Đức dần hình thành các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hằng năm, tăng diện tích cây công nghiệp ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Một số cây trồng thử nghiệm có triển vọng trở thành cây trồng chủ lực như măng tây, nha đam; vật nuôi mới như bò sữa, bò thịt... Hình thành cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh tập trung theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa, có chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Mộ Đức đầu tư xây dựng và đã có 8 sản phẩm được đánh giá xếp hạng. Có một số sản phẩm nông nghiệp giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, huyện đã xây dựng và thực hiện 21 mô hình mới, giúp nông dân tiếp thu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; xây dựng 29 cánh đồng doanh thu đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm; khuyến khích, thu hút 23 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: Phát triển nông nghiệp toàn diện là chương trình có ý nghĩa đặt biệt quan trọng đối với Mộ Đức. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 đã tạo tiền đề, động lực quan trọng cho việc phát triển của huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong 5 năm tới, Mộ Đức xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu và thực hiện 3 khâu đột phá là nông nghiệp sạch, hữu cơ; công nghiệp chế biến nông sản và du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chất lượng giáo dục phổ thông, tổ chức bán trú, phổ cập giáo dục ngoại ngữ và kỹ năng sống. Việc lựa chọn các khâu đột phá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Măng tây hiện là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Mộ Đức. |
Các mục tiêu mà huyện đề ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Do đó, huyện cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư, tập trung phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Với mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn huyện, mang đến niềm tin và kỳ vọng mới trên quê hương của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Bài, ảnh: THANH THUẬN