*Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
VÕ VĂN HÀO
|
Đồng chí Phạm Trung Mưu |
(Báo Quảng Ngãi)- Đồng chí Phạm Trung Mưu, bí danh Huân, sinh ngày 1.2.1910 trong một gia đình trung nông ở làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa - một trong những địa phương có phong trào cách mạng mạnh nhất của tỉnh trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Chính vì vậy, ngay từ thuở thiếu thời, đồng chí được tiếp xúc với những thanh niên yêu nước, có tư tưởng cứu nước tiến bộ theo khuynh hướng vô sản.
Năm 1925, lúc vừa tròn 15 tuổi, đồng chí Phạm Trung Mưu gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1930, đồng chí Phạm Trung Mưu được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Tháng 3.1931, tại nhà đồng chí Lâm Quỳ, ở làng Ngọc Án, Nghĩa Lộ (nay là phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) diễn ra Hội nghị thành lập Huyện ủy Tư Nghĩa. Tại hội nghị này, đồng chí Phạm Trung Mưu được cử làm Bí thư Huyện ủy.
Nửa cuối năm 1931, hưởng ứng "Tuần lễ căm thù" kết hợp với kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5.1931 do Tỉnh ủy phát động, đồng chí Phạm Trung Mưu đã dẫn đầu đoàn biểu tình, với hơn 5.000 quần chúng của huyện Tư Nghĩa xuống đường đấu tranh chống chính quyền thực dân, phong kiến. Cuộc biểu tình bị địch đàn áp khốc liệt, làm chết 12 người, bị thương 96 người. Đồng chí Phạm Trung Mưu bị địch bắt và đày đi Buôn Mê Thuột.
Cuối năm 1936, đồng chí Phạm Trung Mưu mãn hạn tù, trở về quê hương tiếp tục kết nối với những đảng viên và quần chúng yêu nước để xây dựng lại tổ chức đảng và các hội quần chúng.
Cũng vào cuối năm 1936, Tỉnh ủy được củng cố, đồng chí Phạm Trung Mưu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Trong thời gian đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy (từ cuối năm 1936 đến tháng 7.1937), phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ diễn ra rộng khắp trong toàn tỉnh. Để tiếp tục làm nhiệm vụ kết nối phong trào cách mạng các tỉnh phía Nam Trung Kỳ, đồng chí Phạm Trung Mưu được Xứ ủy Trung Kỳ chỉ định làm Bí thư liên tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Tháng 9.1939, đồng chí Phạm Trung Mưu bị địch bắt lần thứ hai, giam giữ ở các Nhà lao Quảng Ngãi, Ba Tơ, Trà Bồng và cầm cố ở Di Lăng (Sơn Hà). Tháng 3.1945, sau khi ra tù, trở về quê nhà, làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, đồng chí Phạm Trung Mưu tiếp tục móc nối liên lạc với cơ sở cách mạng và là Trưởng ban Vận động cứu quốc huyện Tư Nghĩa, chuẩn bị các điều kiện, chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 16.8.1945, chỉ sau 2 ngày phát động, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tư Nghĩa thắng lợi. Ủy ban Cách mạng lâm thời phủ Tư Nghĩa được thành lập, ra mắt nhân dân trong cuộc míttinh tại sân vận động La Hà. Đồng chí Phạm Trung Mưu được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời phủ Tư Nghĩa. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Phạm Trung Mưu được cử giữ chức vụ Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh huyện Tư Nghĩa.
Tháng 8.1946, đồng chí Phạm Trung Mưu được cử làm Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện ra sức khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, giữ gìn trật tự an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, chống thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 11.1947, đồng chí Phạm Trung Mưu được tỉnh điều động làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm đặc phái viên của Liên Khu ủy 5.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Trung Mưu (1.2.1910 - 1.2.2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đoàn thăm, dâng hương tại gia đình đồng chí (số 10 đường D7A, khu dân cư Kiến Á, KB.6, phường Phước Long B, quận 9, TP.Hồ Chí Minh). |
Tháng 9.1951, thực dân Pháp tấn công, chiếm đảo Lý Sơn, dùng Lý Sơn làm bàn đạp đánh phá đất liền Quảng Ngãi và các tỉnh Liên khu 5. Trong bối cảnh đó, tháng 11.1951, đồng chí Phạm Trung Mưu được Tỉnh ủy cử làm Ủy viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhằm củng cố hệ thống tổ chức cán bộ trong tỉnh. Tháng 3.1952, đồng chí Phạm Trung Mưu tiếp tục được Tỉnh ủy Quảng Ngãi điều động giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Tư Nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Trung Mưu, Đảng bộ và nhân dân huyện Tư Nghĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng huyện Tư Nghĩa trở thành hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần đánh bại các cuộc tấn công, đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 của thực dân Pháp.
Tháng 11.1953, đồng chí được Tỉnh ủy điều động làm Hội thẩm nhân dân Tòa án tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 5.1955, đồng chí tập kết ra miền Bắc, công tác ở Ban Đón tiếp Việt Kiều, thuộc Bộ Nội vụ. Tháng 1.1959, đồng chí được cử đi học bổ túc văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ. Sau khi học xong, tháng 8.1960, đồng chí giữ chức vụ Phó Phòng Tuyển cử, Địa giới thuộc Bộ Nội vụ.
Sau hơn 9 năm công tác tại Bộ Nội vụ, năm 1969, đồng chí nghỉ hưu, sống cùng với gia đình tại huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội. Năm 1979, đồng chí trở về quê hương, sinh sống tại xã Nghĩa Kỳ. Năm 1997, đồng chí Phạm Trung Mưu từ trần, hưởng thọ 88 tuổi.
Ghi nhận những cống hiến của đồng chí Phạm Trung Mưu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước tặng thưởng đồng chí: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Trung Mưu gắn liền với lịch sử đấu tranh oanh liệt của Đảng, của dân tộc, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi và các tỉnh Liên khu 5 trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí đã sớm tham gia phong trào cách mạng tại địa phương, trải qua nhiều thời kỳ cách mạng, dù bất kỳ cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, được đồng chí, đồng bào tin tưởng, yêu mến, quý trọng./.