(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 45 năm, ngày 24.3.1975, trong đợt tấn công mạnh mẽ, quân và dân Quảng Ngãi đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Tròn 45 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau hơn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1.7.1989), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã nỗ lực vươn lên đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Quê hương ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Vượt qua gian khó
Sau ngày giải phóng, vùng đất Quảng Ngãi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quá khó khăn và lạc hậu, Quảng Ngãi xác định mục tiêu trong giai đoạn đầu là phát triển nông nghiệp, bảo đảm lương thực, giải quyết vấn đề người dân có cơm ăn, áo mặc; được học hành, được chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Từ hướng đi đó, đại công trình thủy lợi Thạch Nham- công trình mang dấu ấn lịch sử của Quảng Ngãi, được kết tinh từ sức lao động sáng tạo, mồ hôi, nước mắt của nhân dân tỉnh nhà trong rất nhiều năm - được đầu tư xây dựng hoàn thành đã mang nguồn nước tưới ổn định cho hơn 50.000ha đất canh tác, đưa hàng vạn hecta từ một vụ bấp bênh, năng suất rất thấp sang hai vụ lúa ăn chắc.
Công trình đại thủy nông này đã làm xanh thêm nhiều cánh đồng, làng quê; mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho nông dân tỉnh nhà, góp phần quan trọng làm tăng năng suất lúa, tăng sản lượng lương thực; giải quyết cơ bản nhu cầu lương thực cho nhân dân trong tỉnh.
Hệ thống cảng nước sâu Dung Quất là lợi thế lớn để Quảng Ngãi phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics. ẢNH: MINH HOÀNG |
Tuy nhiên, đổi mới, phát triển nông nghiệp bước đầu cũng chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực, còn đại bộ phận nhân dân Quảng Ngãi vẫn còn nghèo khó. Để đưa tỉnh nhà phát triển vững chắc, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã quyết tâm nỗ lực xây dựng kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khởi điểm ban đầu chỉ là các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp (CN) truyền thống, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, tỉnh ta từng bước vươn lên phát triển CN. Đặc biệt, việc hình thành KKT Dung Quất, với “trái tim” là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã tạo bước đột phá về phát triển CN, đưa CN Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
“Trong thời gian đến, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và thành tựu đạt được trong những năm qua, cùng đoàn kết phấn đấu, nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Trong đó, tập trung thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư...”.
Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN NGỌC CĂNG
|
Vững bước đi lên
Sau 45 năm giải phóng và hơn 30 năm tái lập tỉnh, quy mô và cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi có sự thay đổi lớn, nhất là từ sau khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động (năm 2009). Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 55.102 tỷ đồng. Trong đó, khu vực CN - xây dựng đạt gần 30 nghìn tỷ đồng; dịch vụ đạt gần 17 nghìn tỷ đồng; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.990 tỷ đồng. GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu đạt 37.710,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người đạt 2.868 USD. Đời sống văn hóa, vật chất của người dân không ngừng được nâng lên. So với năm 1989, GRDP của tỉnh đã tăng gấp 20 lần, tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình tạo đột phá cho phát triển kinh tế Quảng Ngãi. Ảnh: P.Danh |
Từ nền kinh tế thuần nông, những năm 1990, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 55,68%), công nghiệp - xây dựng chiếm 16,52% và dịch vụ chiếm 27,8%, đến nay, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2019, CN - xây dựng tăng lên 53,64%; dịch vụ 29,17%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,19%. Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng tăng dần qua các thời kỳ, nhất là từ khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.667 tỷ đồng, gấp 1.268 lần so với năm 1989.
Bên cạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được nâng cao. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được đẩy mạnh; an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, thành tựu Quảng Ngãi đạt được trong 45 năm qua, đặc biệt kể từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay đánh dấu một chặng đường phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Thành tựu ấy tiếp tục củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới đất nước. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất để xây dựng Quảng Ngãi giàu đẹp, văn minh và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ngãi nhiều thời cơ, vận hội mới để tăng tốc phát triển, với nhiều dự án mang tầm quốc gia được triển khai trên địa bàn. Đặc biệt, các công trình, dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn và hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất; các dự án nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất; tổ hợp du lịch của FLC... sẽ là động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh, cũng như đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển mạnh theo hướng CN, dịch vụ.
PHẠM DANH