(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 20.3, UBND huyện Tư Nghĩa sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi đối với hai xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Thọ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vững một niềm tin
Gần 50 tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thọ Phạm Thăng có gần 25 năm công tác tại địa phương ngay từ năm 1991, khi có chủ trương tách thôn Phú Thọ thuộc xã Nghĩa Thắng để thành lập xã Nghĩa Thọ. Và giờ đây, một lần nữa, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, xã Nghĩa Thọ lại sáp nhập vào xã Nghĩa Thắng, hơn ai hết, ông Thăng là người chứng kiến, cảm nhận và thấy rõ sự đổi thay “lịch sử” mà chủ trương này mang lại.
Ông Thăng cho biết: Khi mới thành lập, đa số hộ dân của xã Nghĩa Thọ là hộ đói, hộ nghèo. Hạ tầng của xã không có gì. Dân trí rất thấp... Không ai nghĩ có ngày đời sống của người dân được khởi sắc như hôm nay. Hộ nghèo chỉ còn dưới 3%. Xã vừa về đích nông thôn mới. Đường bê tông phủ khắp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao...
Trung tâm xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) ngày càng phát triển, sầm uất. |
"Thành quả này là từ chủ trương đúng đắn của Đảng. Bởi chủ trương của Đảng bao giờ cũng xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Dù tách hay nhập xã thì tôi vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển của quê hương. Tôi cho rằng, khi sáp nhập xã Nghĩa Thọ vào xã Nghĩa Thắng sẽ tạo động lực mới để địa phương phát triển, vì đây là xã loại 1, có lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân chắc chắn nâng cao hơn", ông Thăng nói.
Để việc sáp nhập xã thuận lợi, ngay sau khi có Nghị quyết số 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Nghĩa Thắng đã nhanh chóng lập danh sách số đảng viên, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý để phục vụ cho việc điều động về đơn vị hành chính mới. Theo đó, địa phương hiện có 245 đảng viên; 24 đại biểu HĐND; số cán bộ, công chức là 20 người; 44 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn. Đối với xã Nghĩa Thọ, ngoài việc tập trung giải quyết các thủ tục, công việc cho nhân dân, UBND xã đã chủ động kiểm kê, chuẩn bị số liệu... sẵn sàng cho công tác sáp nhập. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đa số người dân hai xã đều đồng ý với việc sáp nhập xã.
Thực hiện các quy trình sắp xếp, sáp nhập xã Nghĩa Thọ vào xã Nghĩa Thắng, sáng 16.3, HĐND xã Nghĩa Thắng (mới) đã tổ chức Kỳ họp thứ I, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để bầu các chức danh chủ tịch HĐND, các phó chủ tịch HĐND, các ban HĐND, chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND và ủy viên UBND xã. Tại kỳ họp, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ Phạm Vương được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Thắng (mới) và Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (mới). |
Tập trung nguồn lực để phát triển
Trước khi sáp nhập vào xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ là một xã miền núi, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, người dân nơi đây mong muốn sau khi sáp nhập, Nhà nước tiếp tục có những chính sách ưu tiên, đảm bảo cuộc sống cho bà con ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, với 19 cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập cũng mong muốn được bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.
Theo Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ nhập toàn bộ gần 18km2 diện tích tự nhiên, với 1.276 người của xã Nghĩa Thọ vào xã Nghĩa Thắng. Sau khi nhập, xã Nghĩa Thắng mới sẽ có hơn 39km2 và quy mô dân số 9.541 người. Theo quy định, xã Nghĩa Thắng mới thuộc xã loại I, được bố trí 23 cán bộ, công chức, số dư dôi là 17 người. Việc sắp xếp, bố trí số cán bộ này sẽ thực hiện từng bước theo lộ trình. Dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ hoàn thành việc sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư để đảm bảo số lượng đúng theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: Huyện đã có kế hoạch thành lập Đảng bộ xã Nghĩa Thắng; HĐND xã cũng đã tổ chức kỳ họp để bầu Chủ tịch HĐND, UBND dân xã Nghĩa Thắng (mới); đồng thời ưu tiên thực hiện đổi chứng minh nhân dân, BHXH, BHYT, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... của người dân. "Việc sáp nhập xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Thọ nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tinh gọn bộ máy, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong năm 2020 và các năm tiếp theo", ông Thành nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THANH THUẬN