Kỷ niêm 110 năm ngày sinh đồng chí Trương Quang Giao (20.3.1910 – 20.3.2020)
Tấm gương cộng sản mẫu mực

02:03, 20/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- “Đồng chí Trương Quang Giao là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời tận tụy hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, với dân tộc, hết lòng phục vụ nhân dân, một tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, được Đảng tín nhiệm, nhân dân tin yêu, đồng chí mến phục…” là những lời lắng đọng của đồng chí Đô Quang Thắng – Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trương Quang Giao ngày 5.7.1983.
Chúng tôi về xã Tịnh Khê vào đúng dịp Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trương Quang Giao (1910 -2020). Những ngày này, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nói chung và xã Tịnh Khê nói riêng ai cũng sự tự hào, xúc động khi nhắc đến người con của quê hương.
 
Phó  Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tịnh Khê Võ Minh Chính tự hào: Đồng chí Trương Quang Giao còn có tên gọi khác là Trương Quang Viên, sinh ra  trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Khê.  
 
ĐVTN xã Tịnh Khê tham quan Nhà Lưu niệm đồng chí Trương Quang Giao
ĐVTN xã Tịnh Khê tham quan Nhà Lưu niệm đồng chí Trương Quang Giao.
 
Làng quê bình dị thân yêu này đã nuôi dưỡng, hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong con người Trương Quang Giao . Đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và suốt cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đồng chí là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Tịnh Khê. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn là tấm gương sáng, dù bị địch bắt giam, tra tấn dã man nhưng vẫn khiên trung, kiên quyết bảo vệ đến cùng các cơ sở cách mạng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã nguyện suốt đời noi gương đồng chí, xây dựng quê hương Tịnh Khê ngày càng phát triển, giàu đẹp.
 
Nằm cạnh Công viên Hòa Bình (thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê), trong khuôn viên hơn 1.500 m2, Nhà lưu niệm đồng chí Trương Quang Giao -  một trong những người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi được nơi trưng bày rất nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trương Quang Giao. Chính những tư liệu này là nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm tựa tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới.
 
Ngắm hình ảnh chụp cùng ông bà tại Nhà lưu niệm, anh Trương Quang Trung – người cháu nội duy nhất của đồng chí Trương Quang Giao cho biết: Mỗi khi thăm nơi này là hình ảnh ông lại hiện về trong tôi. Trọn cuộc đời ông luôn vì sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân phục vụ. Trở về đời thường với gia đình, ông sống rất giản dị, yêu thương gia đình, luôn giáo dục con cháu phải tiếp nối truyền thống cách mạng, tin tưởng vào Đảng. Là người cháu, tôi luôn tự hào với truyền thống của gia đình và luôn nguyện làm theo những lời ông chỉ dạy.
 
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Giao là tấm gương công sản mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ trong thời gian đầu hoạt động cách mạng từ năm 1930 đến 1938, ông 4 lần bị địch bắt giam, tra tấn nhưng đồng chí Trương Quang Giao luôn giữ vững chí khí của người cộng sản, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp và tay sai.
 
Tháng 2.1944, khi sắp mãn hạn tù, địch đưa ông từ Buôn Mê Thuột về căng an trí Ba Tơ, Quảng Ngãi. Tại đây, mặc dù bị địch quản thúc nghiêm ngặt, đồng chí Trương Quang Giao vẫn cùng đồng đội cũ là Trần Lương, Trấn Quý Hai, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt…thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi và đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Bí thư Tỉnh phụ trách  phong trào cách mạng các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa.
 
Ngày 10.3.1945, chỉ một ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp bất thường bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau cuộc họp, đồng chí Trương Quang Giao thay mặt Tỉnh ủy triệu tập tất cả đảng viên và các đồng chí chưa được khôi phục danh hiệu đảng viên ở căng an trí Ba Tơ để phổ biến chủ trương khởi nghĩa, kế hoạch hành động.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã quyết định cử ra Ban Khởi nghĩa. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Trưởng ban, có nhiệm vụ liên lạc với Xứ ủy và Trung ương, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vùng trung tâm tỉnh và huyện Sơn Tịnh. Ngày 11.3.1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và thắng lợi. Đội du kích Ba Tơ được thành lập, phát động quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong toàn tỉnh.
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng chí Trương Quang Giao đã tập trung chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng vừa mới ra đời lúc này là: Củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chính quyền công nông, phát triển thực lực cách mạng, ổn định và phát triển sản xuất, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
 
Từ cuối năm 1945 đến năm 1946, đồng chí làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 6, phụ trách Mặt trận Nha Trang – Buôn Mê Thuột. Năm 1946 -1947, đồng chí là xứ ủy viên rồi ủy viên thường vụ Xứ ủy Trung bộ, sau đó là ủy viên Khu ủy Khu 5 và làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng…
 
Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Trương Quang Giao đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân huy chương khác
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN

.