(Baoquangngai.vn)- Về xã Phổ Phong (Đức Phổ) là trở về với suối nguồn cách mạng, niềm tự hào của quê hương núi Ấn-sông Trà. Nơi đây là cái nôi cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, địa điểm thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” làm nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3.1930.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tự hào truyền thống cách mạng
Những ngày đầu Xuân, trên mọi nẻo đường ở xã Phổ Phong, cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Một cảm nhận chung nhất khi trở về thăm quê của những người con xa xứ, rằng quê hương đang vươn mình phát triển. Sự đổi thay hiển hiện trên mọi nẻo đường và trong mỗi “nóc nhà”. Đó là mùa Xuân của ấm no và hạnh phúc, là thành quả đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân. Chị Nguyễn Thị Kim Quyên, quê ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh trải lòng: “Dù đi bất cứ nơi đâu, tôi vẫn luôn tự hào về quê hương Phổ Phong, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Những di tích lịch sử là bài học quý giá hơn cả để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước”.
Di tích núi Xương Rồng ở xã Phổ Phong. |
Đúng vậy, những di tích lịch sử trên quê hương Phổ Phong như là chứng nhân hùng hồn nhất về lịch sử cách mạng và truyền thống yêu nước, nhắc nhớ mọi người dân về nguồn cội, tiêu biểu như di tích núi Xương Rồng (địa điểm thành lập Tổ chức “Dự bị cộng sản”); di tích Cấm Cây Cày (nơi gắn liền với sự kiện đánh chiếm huyện đường Đức Phổ tháng 10.1930); nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm, người con ưu tú, kiên trung, nhà cách mạng xuất sắc sinh ra ở Phổ Phong, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Ngãi... Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ Phong Phan Tiến Định cho biết: “Đảng ủy xã đang tổ chức tổ chức biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã (1930 - 2015). Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức vào khoảng giữa năm 2020”.
Những sự kiện oai hùng
Trong suốt dặm dài 90 năm đi cùng lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, Đảng bộ xã Phổ Phong đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Phổ Phong là nơi có những người con kiên cường, trọng nghĩa, có khí tiết, có một lịch sử đấu tranh liên tục và mạnh mẽ chống áp bức, bóc lột. Phổ Phong là nơi có cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cách mạng đồng chí hội sớm nhất và là nơi thành lập chi bộ đảng sớm nhất của tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. |
Những năm đầu thành lập Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Huyện ủy Đức Phổ đều đóng tại địa bàn Phổ Phong. Sự kiện mà nhiều người nhớ mãi, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác như mạch nguồn của niềm tự hào, đó là lần đầu tiên tại làng Tân Phong (Tân Hội)-Hùng Nghĩa tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1930. Tại đây, truyền đơn được rải khắp nơi, cờ đỏ búa liềm được treo trên các điểm cao, tung bay ra mắt nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Hoạt là người đầu tiên treo lá cờ búa liềm trên đỉnh núi Xương Rồng vao vút, 6 xã trong vùng và các xã lân cận đều nhìn thấy. Cũng từ đấy, cờ búa liềm và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đi vào lòng các tầng lớp nhân dân một cách bền chặt. Ngày 4.6.1930, Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi họp tại làng Hùng Nghĩa. Các đảng viên xã Phổ Phong và quần chúng tiến bộ được bố trí canh gác, nhiều lớp bên ngoài, giả làm người chăn vịt, chăn bò, cày cấy để bảo vệ đại hội. Tại đại hội này, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm bí thư.
Sắc xuân trên quê hương Phổ Phong. |
Ông Phan Tiến Định cho biết: Nhắc đến truyền thống cách mạng là nhắc đến niềm tự hào khi Phổ Phong được chọn làm nơi mở đầu cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vang dội trong cả nước. Vào nửa đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8.10.1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Phổ Phong, nhân dân các làng Tân Hội, Hùng Nghĩa, Vạn Lý, Gia An, Vĩnh Xuân, Hiệp An từng đoàn người rầm rộ kéo về tập hợp tại ngã ba xóm Đèn, sau đó kéo về cấm Cây Cày. Đoàn người đến gốc đa dừng lại nghe đồng chí Nguyễn Nghiêm đứng trên hai chiếc trống chồng lại để diễn thuyết.
Đoàn người biểu tình hàng ngũ chỉnh tế, tay cầm giáo mác, dây gậy và băng cờ, biểu ngữ trong tiếng thét, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng trống mõ vang dậy tiếng về huyện lỵ Đức Phổ. Lúc gần đến nơi, số người biểu tình lên đến 5.000 người, đồng chí Lê Long (Phổ Ninh), đồng chí Huỳnh Long Thụy (người làng Tân Hội) phất cao cờ Đảng dẫn đầu đoàn người kéo vào huyện đường. Cuộc biểu tình lịch sử này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong toàn tỉnh. “Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chi bộ Đảng xã Phổ Phong đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường cách mạng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh làm nên những chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm truyền thống hào hùng của dân tộc”, ông Phan Tiến Định tự hào nói.
Phổ Phong hôm nay khoác lên mình “chiếc áo mới” của sự ấm no, yên bình. Truyền thống cách mạng hào hùng là nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phổ Phong tiếp bước tiền nhân giữ gìn thành quả cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm mới 2020 mở ra một quyết tâm mới cho toàn Đảng bộ và nhân dân xã Phổ Phong, đó là về đích nông thôn mới.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ