Cần quan tâm công tác cán bộ nữ

05:02, 25/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, công tác cán bộ nữ ở Quảng Ngãi được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và đã khẳng định được vai trò, vị thế và năng lực của bản thân.
 
Những chuyển biến tích cực
 
Theo kết quả khảo sát mới đây của Hội LHPN tỉnh, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ba cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cụ thể, số lượng nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với cấp tỉnh là 8/52 người, đạt 15,38% (tăng 0,84% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015); cấp huyện 82/511 người, đạt 16% (tăng 3,96%); cấp xã 500/2.401 người, đạt 20,8% (tăng 6,46%).
 
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cao hơn nhiệm kỳ 2011 - 2016, cụ thể nữ đại biểu Quốc hội tăng 42,72%, nữ đại biểu HĐND tỉnh tăng 3,63%, cấp huyện tăng 4,65%, cấp xã tăng 4,78%. 
 
Văn phòng TP.Quảng Ngãi có 2 cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng.  Trong ảnh: Cán bộ văn phòng thành phố trao đổi công việc.  Ảnh: BS
Văn phòng TP.Quảng Ngãi có 2 cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng. (Trong ảnh: Cán bộ văn phòng thành phố trao đổi công việc). Ảnh: BS
 
Đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng tăng đáng kể. Đối với cấp tỉnh, có 2 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy (1 đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; 1 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh); 1 đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; 7 đồng chí nữ là giám đốc, phó giám đốc sở, ngành và tương đương. Cấp huyện có 9 đồng chí nữ giữ vị trí cán bộ chủ chốt cấp huyện.
 
Cấp xã có 91 đồng chí nữ giữ vị trí cán bộ chủ chốt. Có 4/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm từ 30% trở lên; 6 địa phương cấp huyện có từ 30% nữ trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 20/184 xã có từ 30% nữ trở lên có cán bộ chủ chốt là nữ. Lãnh đạo nữ giữ chức vụ trưởng phòng và tương đương ở cấp sở, ban, ngành là 20/119 người (chiếm 16,81%); phó phòng và tương đương 66/175 (chiếm 37,71%). Đối với cấp huyện, nữ giữ chức vụ trưởng phòng 23/129 (chiếm 17,83%); phó trưởng phòng 64/174 (chiếm 36,78%).
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, để đạt được kết quả nói trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, dự nguồn, xem xét cơ cấu, bố trí cán bộ nữ. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để chị em có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực bản thân.
 
“Những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã dần làm thay đổi những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới và nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội”, bà Lê Na nhận định.
 
Vẫn còn rào cản
 
Kết quả đạt được trong công tác cán bộ nữ ở tỉnh ta là rất đáng mừng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm công tác quy hoạch, dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chưa có định hướng tạo nguồn cán bộ nữ. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, là lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương có đông nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đạt chỉ tiêu đề ra. 
 
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước, nhưng thiếu tính ổn định, bền vững. Nhận thức về bình đẳng giới tuy có chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế xã hội và một bộ phận gia đình vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại; sự thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ cũng như việc lựa chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ nữ đôi lúc còn thiếu khách quan, đã tác động tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị...
 
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng hơn nữa trong việc  thực hiện công tác cán bộ nữ. Phấn đấu tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể về quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ; định hướng công tác cán bộ nữ về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND các cấp đảm bảo theo quy định, về việc nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên.
 
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ. Thực hiện luân chuyển cán bộ nữ theo quy hoạch, kết hợp luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp để đảm bảo cơ cấu ngay từ khâu quy hoạch... 
 
PHƯƠNG LÝ
 
 
 

.