Đồng khởi Bến Tre: Bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh nhân dân

10:01, 18/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và tay sai để giành độc lập dân tộc, cách mạng miền Nam đã trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh có tính bước ngoặt. Một trong những dấu son ấy là phong trào Đồng khởi mở đầu từ Bến Tre lan rộng ra toàn miền Nam (năm 1960). Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã chuyển cách mạng từ phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang đấu tranh vũ trang.
Từ Trà Bồng đến Mỏ Cày
 
Cuối 1959, phong trào cách mạng ở một số tỉnh miền Trung có nhiều chuyển biến. Đầu tiên là ở Bác Ái (Bình Thuận) vào tháng 2.1959; tiếp đến nổ ra cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào tháng 8.1959 và nhanh chóng giành thắng lợi, khiến cho bộ máy chính quyền tay sai ở các địa phương này tan rã. Chính quyền cách mạng hình thành. Tác động của 2 cuộc nổi dậy, khởi nghĩa ở miền Trung đã lan đến miền Nam chỉ thời gian ngắn sau đó. 
Khách tham quan đến từ tỉnh Quảng Ngãi tìm hiểu lịch sử tại Nhà truyền thống Đồng khởi tỉnh Bến Tre.                     Ảnh: V.Văn
Khách tham quan đến từ tỉnh Quảng Ngãi tìm hiểu lịch sử tại Nhà truyền thống Đồng khởi tỉnh Bến Tre. Ảnh: V.Văn
Để chuẩn bị cho phong trào nổi dậy, đầu năm 1960, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định "phát động một tuần lễ toàn dân đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn" và quyết định khởi nghĩa từ ngày 17 - 25.1.1960. Điểm đột phá tại Cù lao Minh (gồm 3 huyện: Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú), điểm chính ở Mỏ Cày.
 
Theo kế hoạch, ngày 17.1.1960, tại huyện Mỏ Cày diễn ra cuộc biểu tình. Trong vòng một tuần (từ ngày 17 - 24.1.1960), 47 xã ở các huyện: Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nổi dậy. Lực lượng nổi dậy làm chủ nhiều ấp, trong đó làm chủ hoàn toàn 22 xã, khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa hoang mang.
 
Từ Bến Tre, phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam. Đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi đã làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở nông thôn của Việt Nam Cộng hòa. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, ta đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã. Dân số vùng giải phóng toàn miền Nam có khoảng 6,5 triệu người thuộc vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. 
 
Phong trào Đồng khởi ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Trong năm 1960, ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị. Đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam cũng được thành lập.
 
“Linh hồn” của dòng thác cách mạng miền Nam
 
Liên tục các cuộc khởi nghĩa và nổi dậy của quần chúng những năm 1959 - 1960 ở miền Nam cho thấy, phong trào đấu tranh đã chuyển sang một giai đoạn mới - bạo lực cách mạng từ quần chúng. Đó là chủ trương của Trung ương được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 15 (tháng 1.1959) của Đảng, là cho phép lực lượng cách mạng miền Nam sử dụng bạo lực để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. 
Nhà truyền thống Đồng khởi tỉnh Bến Tre.                                        Ảnh: Võ Văn
Nhà truyền thống Đồng khởi tỉnh Bến Tre. Ảnh: Võ Văn
Sự thành công của phong trào Đồng khởi đã chiếm được nhiều vùng rộng lớn và thúc đẩy thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (ngày 20.12.1960). Từ những thắng lợi trên, Xứ ủy Nam Bộ đề nghị Trung ương Đảng nâng đấu tranh vũ trang lên ngang với đấu tranh chính trị.
 
Sự nổi dậy của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ sở cách mạng phát triển, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và linh động các hình thức đấu tranh, khiến cho quân địch từng bước thất bại.
 
Ngày 25.3.1960, hàng chục nghìn quân hỗn hợp thủy - bộ- biệt kích - dù của địch tiến vào vây quét các xã ở huyện Mỏ Cày. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bến Tre quyết định dùng biện pháp chính trị, phát động quần chúng, đặc biệt là hơn 7.000 phụ nữ huyện Giồng Trôm biểu tình đòi các đơn vị đang càn quét phải rút lui.
 
Trên đà phát triển của dòng thác cách mạng, tháng 6.1960, các chi bộ ở địa phương phát động Đồng khởi trong toàn Nam Bộ. Đến ngày 24.9.1960, Tỉnh ủy Bến Tre phát động cuộc Đồng khởi lần hai.
 
Đồng khởi Bến Tre là bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công, từng bước đưa phong trào cách mạng miền Nam đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước.
 
X.THIÊN
 
 
 
 

.