(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Quang Lâm luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, biết dựa vào dân, lấy ít đánh nhiều, lấy đoản binh thắng trường trận. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (tên thật là Nguyễn Đức Hoành), sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Là người hiếu học, đam mê đèn sách, ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1935, sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông về dạy học tại quê nhà. Từ năm 1936, ông tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Đồng chí Nguyễn Quang Lâm đón tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm và làm việc tại tỉnh. ẢNH: TL |
Từ năm 1939, do bị địch truy lùng, theo gợi ý, ông chuyển vào Quảng Ngãi tiếp tục dạy học và tham gia cách mạng ở thôn Phước Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Nhờ dạy giỏi nên học sinh theo học rất đông, nhân dân trong vùng quen gọi với cái tên trìu mến “giáo Hoành”. Đây cũng là giai đoạn đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, nên chính quyền thực dân tăng cường, đàn áp phong trào cách mạng. Nhiều đảng viên, cơ sở cách mạng bị địch bắt nên đồng chí Nguyễn Quang Lâm tập trung vào việc dạy học và chờ thời cơ trở lại hoạt động cách mạng.
"Dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng vượt qua mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, không sợ hy sinh... Công lao của đồng chí Nguyễn Quang Lâm với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đức tính tận tụy, khiêm tốn, gương mẫu của đồng chí mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo”.
(
Trích lời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
VÕ CHÍ CÔNG)
|
Năm 1941, Mặt trận Việt Minh được xây dựng và phát triển mạnh ở Quảng Ngãi và cũng trong năm này, đồng chí Nguyễn Quang Lâm vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng từ đây đồng chí luôn được tín nhiệm, cử giữ nhiều trọng trách. Tháng 1.1946, đồng chí được phân công làm Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi và đến tháng 4 năm đó được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Từ những năm 1947, khi đồng chí Phạm Văn Đồng được cử về trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Trung Bộ thì vấn đề phụ thu kháng chiến bằng lúa gây tranh luận kéo dài, bởi đây là nhiệm vụ quá mới mẻ. Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi, với sự hiểu biết uyên thâm nhờ tự học, trang bị kiến thức về công tác thuế, tiền tệ, ngân hàng... đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã có những đóng góp quan trọng cho các chủ trương của Đảng trên địa bàn, bảo đảm hậu cần cho Việt Minh chiến đấu.
Năm 1950, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Quang Lâm được điều động về công tác tại Liên khu 5. Sau Hội nghị Giơnevơ, địch khủng bố trắng hòng cách ly Đảng ra khỏi nhân dân, đồng chí được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Đây cũng chính là thời gian đồng chí Nguyễn Quang Lâm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1955 - 1959).
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong thực hiện phương pháp đấu tranh với địch để giành thắng lợi. Đặc biệt, trong Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 25.5.1958 đã bàn kế hoạch thực hiện, tập trung cho nhiệm vụ đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, xây dựng các đoàn thể, thành lập ban quân sự...
Với chủ trương đúng đắn và kịp thời, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi được giữ vững và có bước phát triển, đặc biệt là ở miền Tây Quảng Ngãi. Phong trào diệt ác, phá tề diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi trong tỉnh. Có thể nói, đây là bước tập dượt làm tiền đề châm ngòi nổ cho cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, làm nên chiến thắng lịch sử vào tháng 8.1959, mở đầu cho phong trào đấu tranh lực lượng vũ trang của cả miền Nam.
Từ một nhà giáo nghèo, hăng hái tham gia cách mạng, luôn luôn học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí đã trở thành một cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm dày dạn trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền, kiên định lập trường giai cấp công nhân, có năng lực đoàn kết, quy tụ cán bộ, vận động thuyết phục các tầng lớp nhân dân các địa phương trong thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đào tạo được nhiều cán bộ cho phong trào.
Không những vậy, ông còn biết dựa vào kinh nghiệm dân gian làm tăng năng suất nông sản, xây dựng vùng chiến khu vững chắc, bảo đảm kháng chiến thắng lợi. Chính nhờ khí chất của người vùng cát Quảng Nam luôn biết trân trọng từng củ khoai mọc trên đất cằn mà sau này trên cương vị Trưởng ban Kinh tài Khu ủy 5, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, rồi Chủ tịch Hội đồng tiền phương của Khu ủy 5, ông đều có cách làm táo bạo và hiệu quả; huy động được khối lượng lớn tiền trong nước và ngoại tệ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Khi công tác ở Bộ Hải sản, tiếp đó là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dẫu sức khỏe đã yếu, nhưng ông vẫn lăn lộn đến từng vùng miền trong cả nước, chỉ đạo sắc bén, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời điểm còn nhiều khó khăn sau giải phóng.
Đồng chí Nguyễn Quang Lâm từng kinh qua các chức vụ Thường trực Khu ủy - Trưởng ban Kinh tài Khu 5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Hải sản, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa VI... Để ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Quang Lâm và nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Quang Lâm - cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình”. Cuốn sách dày 388 trang, bao gồm một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đồng chí, người thân… về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Quang Lâm. Các bài viết trong cuốn sách được sắp xếp theo từng chủ đề, kết hợp với trình tự thời gian, thể hiện ý chí cách mạng kiên cường, đức tính tận tụy, khiêm tốn, gương mẫu của người cách mạng hết mình vì nước, vì dân phục vụ. |
Bài, ảnh: THANH THUẬN