Giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri

08:12, 10/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp, báo cáo hơn 100 ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Trong đó có nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết.
Trong số hàng trăm ý kiến, kiến nghị của cử tri, thì vấn đề  ô nhiễm môi trường; bồi thường, tái định cư (TĐC), giải phóng mặt bằng (GPMB), quy hoạch treo... được cử tri quan tâm nhiều nhất.
 
Lo lắng ô nhiễm môi trường
 
Là địa bàn tập trung nhiều dự án công nghiệp, nên những năm qua huyện Bình Sơn là "điểm nóng" về môi trường, TĐC... Trong báo cáo tổng hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thì riêng huyện Bình Sơn có đến 31 kiến nghị. Trong đó gần một nửa kiến nghị liên quan đến ô nhiễm môi trường do các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn gây ra và cả những bất cập trong công tác TĐC kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết.
 
Như tại khu vực Nhà máy bê tông Thiên Sơn, cùng với việc ô nhiễm môi trường thì các loại xe chở vật liệu làm rơi vãi cát, sạn, bụi trên đường, gây ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trạm trộn bê tông của Công ty Hưng Thịnh gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan chức năng xử phạt và đề nghị tạm dừng, nhưng vẫn lén lút hoạt động vào buổi tối, khiến người dân ở thôn Tân Hy bức xúc.
 
Trong khi đó, nhà máy của Công ty Giày da Hiệp Ích Việt Nam, ở xã Bình Chánh lại thường xuyên đốt chất thải vào ban đêm gây ô nhiễm môi trường. Còn khu TĐC Tây Bắc Vạn Tường (giai đoạn 2) không có hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải sinh hoạt tràn xuống khu dân cư xóm Bắc, thôn An Lộc, gây ô nhiễm môi trường...
 
Cử tri xã Bình Thuận (Bình Sơn) kiến nghị cần sớm di dời, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Nhà máy thép Hoà Phát - Dung Quất tại cuộc họp sáng 23.11.2019.
Cử tri xã Bình Thuận (Bình Sơn) kiến nghị cần sớm di dời, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Nhà máy thép Hoà Phát - Dung Quất tại cuộc họp sáng 23.11.2019.
 
Cùng với sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thì tình trạng khai thác tài nguyên đá, cát, sạn của một số đơn vị cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Cử tri huyện Đức Phổ phản ánh, doanh nghiệp khai thác cát sông Thoa có thể gây sạt lở bờ sông tại xóm 23, vùng 5, xã Phổ Thuận.
 
Còn cử tri huyện Trà Bồng thì phản ánh một số doanh nghiệp khai thác cát, sạn trên sông Trà Bồng, thuộc xã Trà Phú đã hết hạn cấp phép, nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả lại hiện trạng đường đi sản xuất cho người dân...
 
Chưa thể an cư
 
Lĩnh vực bồi thường, GPMB và TĐC cũng là vấn đề gây bức xúc cho người dân nhiều năm qua. Tại cuộc họp dân do UBND huyện Bình Sơn tổ chức sáng 23.11, tại hội trường UBND xã Bình Thuận liên quan đến những hộ dân trong vùng mở rộng khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, bà Ngô Thị Chừng nêu: “Tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp, nhưng đến nay vẫn giải quyết chưa xong. Trong khi đó, nhà cửa của chúng tôi ảnh hưởng rất lớn”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Lý Thọ cho biết: “Khi có dự án mở rộng, GPMB, thì khâu TĐC phải chủ động đi trước một bước. Do đó, khi nào xác lập được nơi TĐC cho người dân, có phương án chỗ ở theo đúng quy định thì lúc đó chúng tôi mới phê duyệt GPMB”. 
 
Liên quan đến dự án này, ngoài phần diện tích đất nông nghiệp, đất Nhà nước thu hồi, bồi thường vào năm 2005, còn lại 42,5ha đất vẫn chưa thu hồi, chưa phê duyệt phương án bồi thường. Trong đó có khoảng 17,8ha đất có nhà ở của 352 hộ dân phải bố trí TĐC, cùng với khoảng 409 lô/24,7ha đất có công trình hạ tầng do UBND xã Bình Thuận quản lý. Lý do chưa thể GPMB là do chưa có đất bố trí TĐC cho người dân.
 
Cũng tại Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát (phần 51ha) đã có thông báo thu hồi đất, kiểm kê, lập phương án bồi thường, nhưng đến nay vẫn chưa chi trả tiền bồi thường và di dời dân đến nơi ở mới. Trong khi đó, người dân ở xã Bình Đông đã nhận tiền bồi thường từ năm 2015, nhưng đến nay cũng chưa được bố trí đất TĐC; còn 19 hộ dân ở xóm Bàu, thôn Tân Hy 2 do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động của Công ty CP thép Hoà Phát cũng chưa được di dời...
 
Bên cạnh đó, nhiều vùng quy hoạch hàng chục năm không thực hiện dự án, nhưng không xử lý, khiến nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch không thể sửa chữa nhà hoặc xây dựng nhà mới để ở. Cử tri xã Bình Hoà (Bình Sơn) cho biết, năm 2015, UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 190ha, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
 
Người dân đề nghị tỉnh cần sớm thông tin về tình hình dự án, nếu không làm thì cho chuyển mục đích sử dụng đất để người dân có thể làm nhà ở. Còn người dân ở các thôn Hải Nam, Hải Thanh, xã Bình Hải bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến đường bắc - nam qua địa bàn đã kiểm kê từ năm 2015, hiện nay nhà đã xuống cấp, nhưng không thể sửa chữa, vì chưa biết dự án có triển khai hay không.
 
Trên đây là những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri trong tỉnh, nên các cơ quan chức năng cần sớm trả lời, giải quyết dứt điểm.
 
Bài, ảnh: X.THIÊN
 
 

.