Vai trò của thôn, tổ dân phố: Cần có cách nhìn mới (kỳ 2)

09:08, 14/08/2019
.
*Kỳ 2: Sáp nhập thôn, tổ dân phố là cần thiết, nhưng phải linh hoạt
 
(Báo Quảng Ngãi)- Sáp nhập một số thôn, TDP không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước là nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; giảm chi phí cho ngân sách... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải linh hoạt, đảm bảo duy trì sự ổn định ở cơ sở.

Việc sáp nhập một số thôn, TDP trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18 - NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và đã được HĐND tỉnh (khóa XII) thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15.
TIN LIÊN QUAN

Tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng

Quảng Ngãi hiện có 1.156 thôn, TDP (935 thôn, 221 TDP); trong đó, TP.Quảng Ngãi có nhiều thôn, TDP nhất, với 241 thôn, TDP (72 thôn, 169 TDP). Những năm qua, hầu hết các thôn, TDP trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt vai trò là tổ chức tự quản trong cộng đồng dân cư; vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nhờ Đảng ủy xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) tăng cường công tác lãnh đạo, nên diện mạo thôn Tân Mỹ đã có nhiều đổi thay. Ảnh: B.Sơn
Nhờ Đảng ủy xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) tăng cường công tác lãnh đạo, nên diện mạo thôn Tân Mỹ đã có nhiều đổi thay. Ảnh: B.Sơn
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc khẳng định: Các thôn, TDP đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, của dân tộc.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thôn, TDP có số hộ ít, nên ảnh hưởng đến quá trình huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các huyện miền núi và huyện Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi... “Đời sống người dân ở miền núi còn nhiều khó khăn, dân cư thưa, nên việc huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, khu thể thao... gặp nhiều khó khăn”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết.

Từ thực tế đó, việc sắp xếp, sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cần thiết hiện nay, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.

“Đối chiếu các quy định của Bộ Nội vụ, toàn tỉnh có 585/1.156 thôn, TDP chưa đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thực trạng các thôn, TDP và điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, phong tục tập quán và đặc thù ở mỗi địa phương, UBND tỉnh quyết định sắp xếp, sáp nhập 373/585 thôn, TDP.

Giám đốc Sở Nội vụ ĐOÀN DỤNG

Theo thống kê của Sở Nội vụ, trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 4.298 người hoạt động không chuyên trách và 4.580 người là chi hội trưởng các chi hội, bí thư chi đoàn ở các thôn, TDP. Trung bình mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 118 tỷ đồng để trả phụ cấp cho những trường hợp trên.

Do đó, sau khi khảo sát, tỉnh ta quyết định sắp xếp, sáp nhập 373 thôn, TDP và đổi tên 1 thôn, 2 TDP, nên giảm được 202 thôn, TDP và toàn tỉnh còn 954 thôn, TDP (834 thôn, 120 TDP). Trong đó, TP.Quảng Ngãi là địa phương có sự điều chỉnh, sắp xếp lớn nhất. Sau khi sắp xếp, sáp nhập 165 thôn, TDP và đổi tên 2 TDP, TP.Quảng Ngãi giảm 102 thôn, TDP và còn lại 139 thôn, TDP. Huyện Ba Tơ sáp nhập 57 thôn, TDP, giảm 26 thôn, TDP và còn lại 93 thôn, TDP.

Theo đề án, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, TDP thì toàn tỉnh sẽ giảm 715 người hoạt động không chuyên trách và 816 người là trưởng các chi hội và bí thư chi đoàn ở các thôn, TDP, tiết kiệm cho ngân sách tỉnh hơn 20 tỷ đồng/năm. “Để tiếp tục giảm nguồn chi cho ngân sách đối với hoạt động của các thôn, TDP, thời gian đến, Tỉnh ủy cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa đối với việc đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm các chức danh: Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng TDP; hoặc bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, TDP ở những nơi có điều kiện”, Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý kiến nghị.

...Cần duy trì sự ổn định ở cơ sở

Để đảm bảo tiêu chí xã nông thôn mới và đô thị văn minh, hiện nay, các thôn, TDP ở vùng đồng bằng phần lớn đã được xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa. Do đó, sau khi sáp nhập thôn, TDP sẽ có một số cơ sở sẽ dôi dư, nếu các địa phương không có phương án sử dụng hợp lý sẽ gây lãng phí.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân trong việc đặt tên thôn, TDP chuẩn bị sáp nhập, huyện còn chỉ đạo các xã xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các nhà sinh hoạt văn hoá sau khi sắp xếp còn dư. Với những cổng chào ở những thôn bị sáp nhập, thì huyện chủ trương thay đổi tên, hạn chế đập bỏ.

Sau khi sáp nhập một số thôn, tổ dân phố, TP.Quảng Ngãi cần xây dựng phương án quản lý, sử dụng các nhà văn hóa dôi dư, tránh gây lãng phí.    ảnh: L. Đức
Sau khi sáp nhập một số thôn, tổ dân phố, TP.Quảng Ngãi cần xây dựng phương án quản lý, sử dụng các nhà văn hóa dôi dư, tránh gây lãng phí. ảnh: L. Đức

Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, sau khi sắp xếp sẽ giảm hơn 100 thôn, TDP, đồng nghĩa với việc sẽ có chừng ấy nhà sinh hoạt văn hóa phải sắp xếp, xây dựng phương án sử dụng lại. Theo Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Đặng Ngọc Thanh, các thôn, TDP sau khi sáp nhập sẽ có khoảng 500 hộ dân, trong khi các nhà văn hóa xây dựng trước đó chỉ có sức chứa tầm 100 chỗ ngồi...

Phó Cơ quan Nội vụ - Tổ chức TP.Quảng Ngãi Đỗ Minh Thủy cho rằng: TP.Quảng Ngãi có 165 thôn, TDP của 11/23 xã, phường phải sáp nhập và còn lại 139 thôn, TDP. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP về việc khoán phụ cấp cho cán bộ ở thôn, TDP sẽ kích thích đội ngũ cán bộ ở thôn nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, đối với khu vực đô thị thì vẫn còn thấp, vì sau khi sáp nhập TDP thì công việc nhiều hơn, vừa quản lý địa bàn dân cư, vừa quản lý trật tự đô thị...

Một thực tế đặt ra nữa là, dù là cán bộ không chuyên trách, thu nhập hằng tháng không nhiều, nhưng việc sắp xếp, sáp nhập một số thôn, TDP trên địa bàn tỉnh cũng để lại nhiều tâm tư, trăn trở đối với những trường hợp phải nghỉ việc (hơn 1.500 người). Cùng với đó, một bộ phận người dân phải thay đổi địa bàn sinh hoạt, giấy tờ của cá nhân và gia đình, nên cũng tác động đến tâm lý của nhiều người.

Đặc biệt, một số thôn ở địa bàn miền núi, có diện tích tự nhiên lớn, bị chia cắt bởi sông, suối, đồi núi; dân cư sống không tập trung... nên sau khi sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Vì thế, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin điều hành của chính quyền sẽ không đến kịp thời với người dân, nếu như các thôn không thay đổi phương thức hoạt động.

Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo đối với những thôn, TDP nằm trong diện phải sắp xếp, sáp nhập, nhằm duy trì sự hoạt động ổn định ở cơ sở.

Phát sinh nhiều khó khăn, bất cập

Việc tổ chức sắp xếp lại các thôn, TDP sẽ ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là việc phải thay đổi các giấy tờ liên quan đến cá nhân và hộ gia đình, như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... Đối với TP.Quảng Ngãi, do tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu dân cư được đầu tư xây dựng, nên trong thời gian đến sẽ có nhiều người đến sinh sống, làm tăng nhân, hộ khẩu ở một số TDP trên địa bàn thành phố...


P.Đức - T.Thuận -
B.Sơn - L.Đức
----------------
Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng hoạt động của thôn, tổ dân phố



 

.