(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện và bước đầu mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó khăn trong công tác cán bộ
Tháng 1.2019, huyện Lý Sơn đã sáp nhập, hợp nhất 15 cơ quan thành 7 cơ quan mới, giảm 9 cơ quan; lãnh đạo các đơn vị từ 27 người giảm còn 20 người; từ 77 biên chế giảm còn 64 biên chế. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho rằng, việc hợp nhất một số cơ quan, đơn vị là chủ trương đúng, phù hợp với chủ trương chung của Đảng và điều kiện thực tế của huyện, tạo tiền đề để xây dựng hệ thống chính trị huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc sáp nhập một số cơ quan trên địa bàn huyện cũng phát sinh một số vướng mắc, như còn phân biệt biên chế khối đảng, khối nhà nước, biên chế huyện, biên chế xã.
Huyện ủy Bình Sơn công bố sáp nhập các cơ quan cấp huyện. |
Đối với huyện Nghĩa Hành, vì nằm trong diện sáp nhập theo Nghị quyết 32 của Chính phủ nên huyện phải tạm dừng việc tuyển dụng, bổ nhiệm. Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Phan Bình cho biết: Việc thiếu cán bộ lãnh đạo quản lý ở huyện đang là vấn đề cần sự quan tâm của tỉnh.
Hiện tại, huyện thiếu nhiều cán bộ khối đảng, chính quyền, mặt trận, nhất là cán bộ, giáo viên ở các trường. Nếu không có biện pháp tháo gỡ, thì năm học mới này sẽ thiếu giáo viên đứng lớp ở bậc học mầm non và tiểu học. Ngoài ra, công tác luân chuyển, điều động cán bộ từ cơ quan này sang cơ quan khác, chuyển từ công chức sang viên chức, từ viên chức sang công chức cũng gặp một số vướng mắc...
"Huyện luân chuyển cán bộ về công tác tại xã, nhưng vẫn giữ biên chế trên huyện; điều động cán bộ từ xã lên huyện thì phải chuyển thành công chức cấp huyện, nhưng thủ tục rất khó khăn, phức tạp. Huyện đã giảm 10% biên chế, nhưng chủ yếu là nghỉ hưu hoặc vận động nghỉ trước tuổi, chứ chưa thực hiện giảm biên chế gắn với tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức". Bí thư Huyện ủy Lý Sơn NGUYỄN VIẾT VY |
Thiếu đồng nhất về cơ chế
Đối với huyện Đức Phổ, việc nhất thể hóa, sáp nhập một số cơ quan cấp huyện đã mang lại hiệu quả trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, việc sáp nhập các văn phòng gặp một số vướng mắc, vì trong xây dựng đề án vị trí việc làm chỉ có HĐND - UBND - Huyện ủy, nhưng khi phê duyệt đề án thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao luôn mặt trận và các đoàn thể, quy định số lượng lãnh đạo đến năm 2020 chỉ còn 2 cấp phó.
Bí thư Huyện ủy Huỳnh Quý cho biết: Do việc hợp nhất, sáp nhập chậm, nên việc bố trí ngân sách cho hai văn phòng này trước, nên hiện nay Văn phòng huyện Đức Phổ có đến hai tài khoản, nhưng chỉ có 1 cán bộ kế toán phục vụ cho cả khối Đảng - chính quyền - mặt trận. Sắp tới, huyện sẽ sáp nhập và thành lập cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Kiểm tra - Thanh tra và chuyển về trực thuộc khối đảng, thì công tác kế toán của Văn phòng huyện sẽ quá tải.
Theo Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, một số văn bản hướng dẫn của trung ương ban hành chưa kịp thời, đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện nghị quyết còn gặp khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, mặc dù đã hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện, nhưng trung ương vẫn chưa có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan hợp nhất. Do đó, trung ương cần khẩn trương quy định rõ chức năng, nhiệm vụ khung cho các cơ quan hợp nhất, từ đó mới xây dựng được vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế.
Bài, ảnh: THANH THUẬN