(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các địa phương đang chủ động triển khai thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, nhất là cấp cơ sở, nhằm từng bước đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo nhiệm vụ.
Trước đây, cán bộ làm công tác văn phòng đảng ủy xã là cán bộ không chuyên trách, nên việc tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng còn hạn chế.
Cán bộ mô hình "Một văn phòng cấp xã" ở xã An Hải (Lý Sơn) đang cập nhật công tác văn thư của Đảng. |
Đầu năm 2018, thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Đảng ủy xã An Hải (Lý Sơn) đã phân công một công chức văn phòng – thống kê UBND xã đảm nhận nhiệm vụ tại văn phòng đảng ủy xã. Anh Mai Văn Đinh – người được phân công nhiệm vụ trên cho biết: "Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, tôi phải nghiên cứu thêm công tác quản lý thu - chi tài chính, đảng phí; nghiệp vụ văn thư lưu trữ của Đảng, chuẩn bị hồ sơ trình đảng ủy trong các cuộc họp...".
"Trước đây, công tác lưu trữ của đảng bộ còn nhiều hạn chế, nhưng khi phân công cán bộ, công chức văn phòng đảm nhận nhiệm vụ này thì đã khắc phục được hạn chế trên. Lãnh đạo đảng ủy nắm thông tin đầy đủ hơn, xử lý công việc cũng kịp thời và nắm sâu sát tình hình chung của địa phương". Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Hải MAI VĂN SƠN |
Mô hình bí thư đảng ủy, đồng thời là chủ tịch UBND xã tại 20/184 xã ở tỉnh ta sẽ triển khai thực hiện vào quý III.2018. Cùng với đó, hiện nay, một số địa phương đã chủ động thực hiện mô hình “một văn phòng cấp xã”, nhằm giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã. Việc triển khai mô hình này sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa đảng ủy, UBND xã.
Ðơn cử như, khi chưa có văn phòng chung thì việc sắp xếp lịch họp hoặc đi công tác cơ sở trong tuần, tháng của đảng ủy, UBND và khối mặt trận, đoàn thể xã luôn bị chồng chéo, còn nay được tập trung về một đầu mối nên đã khắc phục được tình trạng trên.
Mô hình "Một văn phòng cấp xã" vận hành ở xã An Hải (Lý Sơn) là bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và các nghị quyết của Chính phủ nhằm đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện mô hình này là, một số cán bộ văn phòng chưa quen với công việc, cùng lúc phải xử lý công văn, giấy tờ của khối Ðảng và khối chính quyền, còn lúng túng trong soạn thảo, xử lý văn bản...
Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) Đặng Quang Bình cho biết: "Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định bởi luật, nên cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương để bố trí đủ số lượng thì mới hoạt động hiệu quả. Việc tinh gọn bộ máy cấp cơ sở là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong khi chờ chủ trương của thành phố, phường cũng đang nghiên cứu thực hiện việc sắp xếp ở một số vị trí phải kiêm nhiệm nhiều chức danh". Cũng theo ông Bình, việc thực hiện mô hình “Một văn phòng cấp xã” không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, mà còn mang lại hiệu quả trong công tác điều hành của bộ máy chính quyền".
Việc một số cấp ủy, địa phương mạnh dạn thực hiện, có lộ trình vừa làm vừa bổ sung hoàn thiện, không nóng vội, không cầu toàn là rất đáng được biểu dương. Đây cũng là quan điểm nhất quán của tỉnh khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Toàn tỉnh hiện có gần 3.800 cán bộ, công chức cấp xã. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp cơ sở bước đầu đã có “chuyển động” tích cực, tạo tiền đề để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH THUẬN