Các đại biểu: Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc), Phan Thị Thu Hà (Ðồng Tháp), Ðào Xuân Nay (Ninh Thuận), và các đại biểu khác đều nhất trí với việc ban hành luật này theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH để kịp thời giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, bức xúc liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản, mà đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Ðất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Các đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết, cụ thể trong luật này những chế tài nhằm giảm tối đa cơ chế "xin-cho" trong đầu tư XDCB, chống phiền hà, sách nhiễu của các cơ quan quản lý chuyên môn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cán bộ, công chức trong quá trình ÐTXDCB.
Một số đại biểu đề nghị cần phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định. Các đại biểu đề nghị phân cấp mạnh hơn, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian trong việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, xây dựng và điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống trong đấu thầu từ 30-40 con dấu, xuống còn dưới 10 con dấu của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Về cơ chế đấu thầu, chỉ định thầu, một số đại biểu tán thành việc giao Chính phủ quy định phù hợp từng thời kỳ để tạo sự linh hoạt hơn trong chỉ định thầu.Theo các đại biểu, về lâu dài cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Thực tế hiện nay công tác đấu thầu rất phức tạp và nhiều trường hợp tiêu cực làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Ðặc biệt trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay, thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn là cần thiết.
Theo đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ), cần phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư, đồng thời tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người có thẩm quyền đối với việc thực hiện của chủ đầu tư. Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Ðiều 60 và Ðiều 61 về phân cấp cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu, vì những nội dung này tạo chủ động hơn cho chủ đầu tư. Và đề nghị bổ sung một điều, khoản quy định vai trò kiểm tra, giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và kiểm tra, giám sát của các tầng lớp nhân dân. Ðề nghị quy định các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền của Nhà nước cần công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, giá cả thanh quyết toán trong XDCB hằng tháng, phù hợp giá cả thực tế biến động, chứ không được để đến hằng năm mới công bố, thì sẽ không sát thực tế.
Các đại biểu Phạm Khôi Nguyên (Hà Nội), Nghiêm Vũ Khải (Ðiện Biên) cho rằng, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường: Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập đồng thời với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; các dự án chỉ được phê duyệt cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Cần cho doanh nghiệp nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường vào thời gian hợp lý để bảo đảm tiến độ lập dự án, miễn là phải được phê duyệt trước khi khởi công dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các dự án đầu tư XDCB. Ðại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, tiêu chí về quy mô và nguồn vốn chỉ là một trong năm tiêu chí quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của QH. Sau khi có nghị quyết của QH, cần có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì chủ trương đầu tư mới có thể triển khai thực hiện.
Một số đại biểu đề nghị đặt tên của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật Ðất đai và Luật Nhà ở, đồng thời, phù hợp nội dung của nghị quyết của QH về vấn đề này. Các đại biểu cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (ngoài nhà ở) là quá rộng, do đó đề nghị quy định rõ các loại tài sản khác gắn liền với đất là những loại tài sản nào. Ðề nghị chỉ giao Bộ Tài nguyên - Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước. Và đề nghị giao Chính phủ quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, cũng như cơ quan làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ðại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, tên gọi của luật cần rõ ràng, cụ thể hơn, không nên dùng một cách chung chung là liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Cần nêu rõ sửa bao nhiêu luật có liên quan và ghi rõ từng tên luật. Các đại biểu đề nghị cần sớm đưa luật này vào cuộc sống, góp phần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư của Chính phủ trong năm 2009, nhưng cần có thời gian chuẩn bị các văn bản hướng dẫn...
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (DQTV). Tại các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến bày tỏ sự thống nhất với việc xây dựng và ban hành Luật DQTV trong thời điểm hiện nay, đồng thời nêu rõ, dự thảo luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc với đầy đủ các tài liệu liên quan.
Một số đại biểu đồng ý đối với thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt được quy định tại Ðiều 9 của dự thảo luật là bốn năm và cho rằng quy định như vậy là hợp lý, bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, chủ trương của Nhà nước ta là cần trẻ hóa lực lượng DQTV, vì vậy chỉ nên quy định thời hạn ba năm là đủ.
Vấn đề tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp (Ðiều 19) được nhiều đại biểu QH quan tâm và cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ để có thể triển khai thực hiện tốt, đáp ứng được thực tế cuộc sống. Một số đại biểu nhất trí như dự thảo luật, vì tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Các quy định hiện hành về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, tính pháp lý không cao, chưa đồng bộ với các luật liên quan, do đó, số lượng doanh nghiệp đã tổ chức tự vệ so với tổng số các loại doanh nghiệp hạn chế, nhiều nơi tự vệ hoạt động còn mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp có tổ chức Ðảng nhưng chưa tổ chức được lực lượng tự vệ. Ðể giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói trên, quy định tại Ðiều 19 của dự thảo luật xác định các điều kiện để tổ chức lực lượng tự vệ, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ này là phù hợp thực tiễn và có tính khả thi, vừa bảo đảm được vai trò lãnh đạo trực tiếp của Ðảng đối với lực lượng tự vệ ở cơ sở, đồng thời vừa thực hiện được sự bình đẳng về trách nhiệm của các loại hình doanh nghiệp đối với công tác quân sự địa phương theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật quy định ở cấp huyện có tổ chức lực lượng dân quân thường trực ở các huyện trọng điểm về quốc phòng-an ninh hoặc có yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao. Về vấn đề này, một số đại biểu QH nhấn mạnh: Ðây là quy định mới so với Pháp lệnh hiện hành và rất phù hợp tình hình nhiệm vụ, đặc điểm của nhiều địa phương biên giới, có yêu cầu chiến đấu cao. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần chú ý bảo đảm kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng này.
Về chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ (Chương V), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về chế độ, chính sách trong dự thảo luật là thể hiện sự quan tâm đối với dân quân tự vệ, nhưng cần có giải pháp thực hiện để bảo đảm tính khả thi, nhất là ở những địa phương khả năng thu ngân sách thấp và đề nghị cần có quy định T.Ư hỗ trợ. Ðối với vấn đề thu Quỹ quốc phòng - an ninh (Ðiều 55), một số đại biểu cho rằng, việc thành lập quỹ trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp chủ trương của Chính phủ về việc hạn chế tối đa việc thu quỹ tại các địa phương. Nếu thành lập quỹ này và đưa vào luật thì nên quy định là khoản thu bắt buộc chứ không nên như dự thảo là dựa vào sự tự nguyện của nhân dân. Có đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần chú trọng nghiên cứu kỹ hơn về lực lượng DQTV biển, vì trên thực tế, lực lượng này chưa mạnh, chủ yếu hoạt động trên bờ, hiệu quả không cao.