Ở nơi đây, 50 năm trước, biết bao chàng trai cô gái tuổi đời mười tám đôi mươi đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Bỏ lại sau lưng gia đình họ lên đường, không tiếc máu xương cống hiến cả tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc.
Vận tải trên đường Trường Sơn năm xưa. |
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 5 lịch sử là ông Phạm Hữu Sự - một CCB đang sinh sống ở thành phố Quảng Ngãi đem các Huân, Huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng ra ngắm nghía như để ôn lại kỷ niệm của một thời chiến tranh. Trong đó ông nhớ nhất là những năm tháng ở Trường Sơn. Ông Sự kể: Vào bộ đội từ năm 1945, lúc đó ông mới 18 tuổi, bước chân của ông đã đi nhiều chiến trường từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình đến tham gia quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân giải phóng Lào đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuối năm 1967 ông Phạm Hữu Sự được điều động về Binh trạm 52 (thuộc Sư Đoàn 470- Binh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn).
Đây là Trạm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Binh trạm này là tiếp nhận hàng hóa, vũ khí ở các nơi chuyển về, sau đó phân phối xuống các đơn vị thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ông Phạm Hữu Sự nhớ lại: Lính Trường Sơn năm xưa ai cũng phải giữ nguyên tắc hết sức bí mật. Đó là "đi không dấu, ở không lán, nấu không khói, nói không tiếng". Cứ mỗi buổi sáng, 5 giờ dậy nấu cơm ăn, ăn nửa "gô" cơm, nửa còn lại bỏ vào ba lô đem theo. 6 - 7 giờ tối đến điểm tập kết, mưa to gió lớn không có củi, các anh lính trẻ bẻ cây nào nghe tiếng "cắc" là đem về đốt nấu cơm, vì là cây khô. Chiến tranh ác liệt, các "đường dây" gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để đảm bảo lực lượng, đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn của tuyến đường. Ông Sự nói, không chỉ riêng gì ông mà hàng nghìn thanh niên tuổi mười tám đôi mươi đã sẵn sàng ra mặt trận, đang học cũng xếp bút nghiên lên đường. Trong cuộc chiến ác liệt ấy đã có những cuộc tình chớm nở rồi lại chia tay ra mặt trận. Có những người lính trẻ tạm biệt người yêu là cô gái giao liên, để ra trận, đến khi có dịp về lại cung đường tìm người yêu, thì người yêu đã hy sinh. Người lính ấy đặt một bông hoa lên mộ thay cho nụ hôn tiễn biệt, rồi lại vội vã ra đi... Có những chị em đã cống hiến tuổi thanh xuân ở các cung đường Trường Sơn.
Khác với ông Phạm Hữu Sự, CCB Nguyễn Văn Thị hiện đang ở phường Nghĩa Chánh (thành phố Quảng Ngãi) biên chế vào bộ đội Trường Sơn từ năm 1960- nghĩa là sau 1 năm kể từ thành lập Đoàn 559. Trước đó, ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324. Năm 1960, ông Thị được chuyển về Trung đoàn 70 thuộc Đoàn 559. Tại đây đã hình thành các trọng điểm giao thông mà kẻ thù đánh phá ác liệt ngày đêm. Nhưng cũng từ đây nhiều tấn hàng hóa, vũ khí và xăng, dầu đã được vận chuyển vào chiến trường cùng nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào Nam chiến đấu và sang chiến trường nước bạn Lào. Trong mưa bom hủy diệt, thậm chí có những ngày đế quốc Mỹ đã dội xuống đây hàng chục trận bom lớn nhỏ, nhưng đường vẫn thông và quân vẫn đi rầm rập đêm ngày. Ông Nguyễn Văn Thị còn nhớ rất rõ khẩu hiệu khi đó in đậm trên vành mũ, trên cánh tay và trong trái tim nồng nàn tình yêu Tổ quốc của hàng nghìn thanh niên xung phong, chiến sĩ lái xe, bộ đội công binh, pháo thủ cao xạ: "Người còn thì đường còn". Với ý chí sắt đá "Vì miền Nam ruột thịt", bộ đội Trường Sơn đã quả cảm xây dựng nên hệ thống đường giao thông như một trận đồ bát quái, đầy tính chiến lược và khoa học. Ông Nguyễn Văn Thị tâm sự, khi nói về đường mòn Hồ Chí Minh là nói đến những ý nghĩa lớn lao: Đó là con đường của ý chí, con đường thống nhất Bắc - Nam và con đường của tình đoàn kết 3 nước Đông Dương. Ý nghĩa thiêng liêng ấy đã nâng bước chân hàng vạn thanh niên cả nước xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước theo lời hiệu triệu của Đảng và Bác Hồ.
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
16 năm (1959 đến 1975), bộ đội Trường Sơn đã mở 16.000 km đường ô tô; xây dựng các tuyến đường ống với tổng chiều dài hơn 1.300 km. Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm trên 2 triệu lượt quân vào, ra các chiến trường. Chỉ riêng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội Trường Sơn đã đóng góp to lớn, vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí và chở gần 20 vạn quân bổ sung cho tất cả các hướng.
Với những khẩu hiệu: "Gan vàng dạ ngọc", "Tuấn mã Trường Sơn”, “Thà hy sinh trên vành tay lái, còn người, còn xe, còn hàng" đã làm nên tượng đài bộ đội Trường Sơn để đất nước nghiêng mình. Kết thúc chiến tranh, hơn 2 vạn người đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường huyền thoại, 3 vạn người bị thương và hàng chục ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học. Tổ quốc vinh danh bộ đội Trường Sơn với 23 đơn vị và 15 cá nhân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đường Trường Sơn đã góp phần rất lớn trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực, xăng dầu phục vụ cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Những CCB như ông Phạm Hữu Sự, Nguyễn Văn Thị là 2 trong hàng vạn thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong trường ca chống Mỹ của dân tộc thế kỷ XX.
ANH VINH