Ra thế giới, về cội nguồn

08:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2009, nhận lời mời của Hội Liên hiệp Nghệ thuật đảo Jeju (Hàn Quốc), tôi đưa một đoàn nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dân tộc miền núi Quảng Ngãi lần đầu tiên xuất ngoại sang Hàn Quốc giao lưu và biểu diễn. Đó là một chuyến đi để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp khó quên với đoàn chúng tôi, và đặc biệt hơn, với các bạn Hàn Quốc. 
 
Lần đầu tiên, khán giả chọn lọc Hàn Quốc trên hòn đảo du lịch Jeju được mệnh danh là “Thiên đường tình yêu” được xem, nghe và cảm nhận nghệ thuật của một vùng rừng núi Việt Nam, đây là vùng miền Tây Quảng Ngãi. Những màn đấu chiêng sôi động và đầy màu sắc của người Cor, tiếng sáo tà-vố, một loại sáo bằng đất độc đáo của người Cor do nghệ nhân Đinh Ngọc Su - nghệ nhân hàng đầu Việt Nam về loại nhạc cụ này trực tiếp biểu diễn. Rồi những điệu hát ka-lêu, ka-choi ngọt ngào, mượt mà, đi cùng với tiếng sáo. Và đặc biệt nhất, lần đầu tiên các bạn Hàn Quốc được thưởng thức tiếng kèn a-map do hai nữ nghệ nhân người Cor Trà Bồng biểu diễn. 
 
Múa cồng chiêng của người Cor. Ảnh: T.L
Múa cồng chiêng của người Cor. Ảnh: T.L
 
Năm 1999, khi cùng nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Đoàn Huy Giao về Trà Bồng làm bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 40 năm Khởi nghĩa Trà Bồng, tôi đã lần đầu tiên được nghe tiếng kèn a-map do nữ nghệ nhân Hồ Thị Bảy cùng một nữ nghệ nhân khác thổi và tôi đã sững sờ, vì cái kèn, tiếng kèn và cách thổi kèn quá lạ đối với tôi. Sau đó tôi viết được bài thơ “Hai người thổi kèn a-map”, một bài thơ ca ngợi tiếng kèn kỳ lạ này, mà tôi không ngờ, sau khi nghe kèn a-map trên đảo Jeju, các bạn Hàn Quốc đã nói với tôi, họ có cảm giác đó là “âm nhạc của thiên đường”. Một lời khen tột đỉnh, không còn gì để nói thêm.
 
Lần đầu ra thế giới, nghệ thuật của hai dân tộc miền núi Quảng Ngãi là dân tộc Cor và dân tộc Hrê đã có được thành công vang dội. Nếu chúng ta không đưa được nghệ thuật các dân tộc thiểu số của mình ra thế giới, làm sao chúng ta biết được thế giới đánh giá nghệ thuật dân tộc của mình như thế nào. Rất tiếc, là sau chuyến đi năm 2009 ấy, Quảng Ngãi chưa đưa nghệ thuật dân tộc thiểu số của mình vượt biên giới quốc gia thêm lần nào nữa. Rất đáng tiếc, khi những nghệ nhân nổi tiếng như ông Đinh Ngọc Su thổi sáo tà-vố, bà Hồ Thị Bảy thổi kèn a-map đều đã qua đời. Nếu không kịp truyền nghề cho con cháu, thì sự ra đi của họ là mất mát không thể gì bù đắp của nghệ thuật dân tộc Việt Nam, chứ không riêng của Quảng Ngãi.
 
Với đội chiêng tuyệt vời của người Cor Trà Bồng, các nghệ nhân đấu chiêng cũng đã khá cao tuổi, nếu chúng ta không biết tổ chức để họ truyền nghề cho lớp nghệ nhân trẻ Trà Bồng, thì tương lai của nghệ thuật đấu chiêng không biết sẽ thế nào. Khi các bạn Hàn Quốc thưởng thức màn đấu chiêng cực kỳ sôi động của các nghệ nhân Trà Bồng, họ cảm giác đang hòa cùng với một điệu hard-rock (rock nặng) kỳ bí và đầy chấn động. Nghệ thuật dân tộc thiểu số của chúng ta hoàn toàn có thể bắt kịp nghệ thuật hiện đại thế giới, được thể hiện với dáng vẻ rất riêng, không pha trộn.
 
Hôm rồi, tôi được xem bộ phim tài liệu “Thiên lý âm ngàn” của đạo diễn Huỳnh Thế (Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi) và câu chuyện đưa nghệ thuật dân tộc thiểu số Quảng Ngãi ra thế giới để trở về cội nguồn lại ám ảnh tôi.
 
Chúng ta chỉ có thể bảo tồn được nghệ thuật kỳ bí này, nếu đưa được nó ra thế giới. Con đường ra thế giới để trở về cội nguồn là con đường duy nhất để bảo tồn và phát triển được nghệ thuật tuyệt vời này.
 
Khi nghệ thuật được coi là của quý, thì không thể “cất trong rương/mang đi gửi chùa Hương” như một câu hát nhại nổi tiếng ngày trước, mà phải “khoe” nó ra thế giới, để thế giới thưởng thức và tìm hiểu nó. Chỉ như vậy, nó mới có cơ hội được sống và phát triển.
 
THANH THẢO
 

 

 

.