Đất chảy

09:11, 19/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay chúng ta chỉ quen với khái niệm “nước chảy” chứ nói “đất chảy” nghe có vẻ xa lạ. Nhưng những trận bão và lũ kinh hoàng liên tục giáng xuống miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi trong thời gian qua thì khái niệm “đất chảy” đã hiển hiện trước mắt mọi người. Nghĩa là, nếu như trước đây, mỗi mùa mưa lũ, các huyện vùng cao chỉ xảy ra hiện tượng sạt lở núi lẻ tẻ thì mùa mưa này, tình trạng sạt lở đã diễn ra ở khắp nơi, đất đã “chảy” thành dòng từ các ngọn núi cao, làm biến dạng địa hình một cách kinh khủng khi nó tràn qua.
[links()]
Chứng kiến hàng loạt cảnh “đất chảy” ở huyện Sơn Tây, Minh Long và Ba Tơ những ngày gần đây, ta thấy có điều gì đó thật bất thường với quy luật của đất trời. Gần như nước mưa có thể bê nguyên cả một ngọn đồi với hàng chục ngàn khối đất đá dịch chuyển sang chỗ khác trong chốc lát. Đất ở những nơi ấy không vỡ ra từng tảng nhỏ mà cứ “trôi” tự do cả một dề khổng lồ, trải dài 500 - 700m, trông thật kinh hoàng. Những kết cấu bền chặt lâu nay trong lòng đất đã bị lượng nước tích tụ, dồn ứ làm cho bung vỡ, để rồi chúng “chảy” một cách tự do mà không hề gặp bất cứ một cản ngại nào. Đây là điều chưa có tiền lệ, nó báo động một tương lai không xa đầy rủi ro cho con người nếu tiếp tục sống bên cạnh nó mà không có sự cảnh giác cao.
 
Trên 60 hộ dân ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) đã chứng kiến một “dòng sông đất” đã vùi ngôi làng của mình như thế nào hôm 10.11 vừa qua là một ví dụ. Rồi một người dân ở Nam Trà My tỉnh Quảng Nam cũng đã kịp ghi lại hình ảnh rùng rợn khi cả một ngọn đồi đã “trôi” như nước lũ, ụp xuống con đường, suýt chôn vùi hàng chục người dân khi đi ngang qua đó.
 
Có một đặc điểm chung đối với các hiện tượng “đất chảy” hiện nay là luôn kèm theo những tiếng nổ lớn trước đó. Đó cũng là điều rất hiếm gặp trong những đợt mưa lũ trước đây. Hình như thiên nhiên đã đến lúc nổi giận trước sự tàn phá của con người chăng? Hiện tượng cực đoan của thời tiết năm nay đang gióng một tiếng chuông cảnh báo về những ẩn họa mà con người sẽ phải đối mặt trong tương lai không xa nếu chúng ta vẫn cứ giữ những thói quen cũ. Đó là, thay vì tựa vào thiên nhiên để tồn tại thì chúng ta lại đối xử với thiên nhiên rất phũ phàng. 
 
Những cánh rừng đại ngàn- lá phổi cho hàng chục triệu dân đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ thì nay phải nhường chỗ cho nhiều công trình được núp dưới những cái tên mỹ miều là “phát triển kinh tế” như trồng cao su, hồ tiêu, cà phê, hoặc nghiêm trọng hơn là phá rừng nguyên sinh phục vụ cho các công trình thủy điện. Bài học xương máu về thủy điện Rào Trăng ở phía tây Thừa Thiên - Huế sẽ còn nhắc mãi với hậu thế về bi kịch mà cha ông chúng đã phải trải qua.
 
Dưới hạ du thì chịu cảnh ngập lụt mỗi mùa mưa lũ về. Còn ở vùng cao thì chịu cảnh “đất chảy”. Người dân hầu như phải xoay vần trước sự đe dọa liên tục của thiên tai nhưng vẫn không tránh khỏi những cái chết thương tâm như chúng ta đã thấy.
 
Có lẽ đã đến lúc con người cần phải bình tâm để nhìn lại những gì mình đã làm đối với thiên nhiên. Một trong những việc “nhìn lại” là trồng 1 tỷ cây xanh như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khuyến nghị trước quốc dân đồng bào trên diễn đàn Quốc hội mới đây.
 
Trần Đăng
 

.