Thích ứng với biến đổi khí hậu

10:10, 20/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” là những hình thái thời tiết không còn xa lạ với nhiều người, nhất là người dân miền Trung nói chung và người dân Quảng Ngãi nói riêng. 
Ngay sau cơn bão số 6 vừa “đổ bộ” vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì trên Biển Đông tiếp tục hình thành các cơn áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới. Bão, lũ trong những năm qua đã gây thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các tỉnh, thành miền Trung, nhất là những vùng ven biển, ven sông và các khu đô thị.
 
Quảng Ngãi đang cận kề ngày tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và yếu tố phát triển bền vững đã được nêu bật ở ngay chủ đề của đại hội lần này.
 
Nhận định việc triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) có mặt còn hạn chế, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XX đã nêu nhiều giải pháp để phát triển bền vững. Trong đó, đặt yêu cầu về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với BĐKH ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
 
Trước những biến đổi bất thường của thời tiết, việc ứng phó phải được xem trọng đúng mức. Những tác động của con người vào tự nhiên để phục vụ cho sự phát triển phải tính toán tổng hợp nhiều mặt, để làm sao giảm thiểu tác hại ở mức thấp nhất có thể.
 
Yêu cầu đặt ra trong những năm đến là, tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, các điểm dân cư nông thôn, vùng ven biển và thiết kế, xây dựng công trình nhà ở, công sở và công trình hạ tầng xã hội phải dựa trên các kịch bản của tình hình BĐKH.
 
Để nâng cao năng lực trong các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và chống chịu với BĐKH, cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong thiết kế và xây dựng công trình; ưu tiên đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các đô thị và khu dân cư tập trung, nhằm giảm thiểu các tác hại của thiên tai.
 
Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản và tài nguyên. Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Tập trung rà soát các tác động môi trường của các dự án lớn, nhất là các dự án có khả năng tác động trực tiếp đến dân sinh như các công trình thủy điện, kè ven biển, ven sông... Đồng thời, ưu tiên đầu tư các công trình chống sạt lở; bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, đầu nguồn. Qua đó, chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.
 
Hoàng Hà
 

.