(Baoquangngai.vn)-Sáng 27.10 Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9 tại thị xã Đức Phổ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại hai huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành
Tại phường Phổ Thạnh, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Sa Huỳnh vận động nhân dân chằng chống nhà cửa; triển khai phương án di dời 500 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu dân đến nơi an toàn. Cán bộ và dân quân giúp thu dọn đồ đạc, di dời dân đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đến tận nhà vận động người dân di dời đến nơi an toàn |
Trưa ngày 27.10, cảng cá Sa Huỳnh có 317 tàu cá vào bán hải sản và neo đậu. Trong đó, có 282 tàu cá của ngư dân Đức Phổ và 35 tàu cá các tỉnh, thành khác vào neo trú. Đồn Biên phòng Sa Huỳnh sắp xếp, hướng dẫn bà con ngư dân neo đậu tàu cá trong bến nhằm tránh bị va đập, gây hư hại. Chính quyền xã vận động các hộ thả nuôi hải sản tại đầm Nước Mặn kéo lồng bè đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, Phổ Thạnh cắm biển báo, ngăn không cho người dân qua lại cầu Thạnh Đức nhằm tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Trần Phước Hiền cho biết: Toàn thị xã có 3.560 hộ dân, với khoảng 13.400 nhân khẩu cần phải di dời. Trong đó, 6 xã, phường ven biển có 1.800 hộ, với 7.100 nhân khẩu. Công tác di dời dân được khẩn trương triển khai trong ngày 27.10 với sự tham gia của chính quyền, dân quân và thanh niên xung kích. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền các cấp đã liên lạc và hướng dẫn tất cả các chủ tàu cá khẩn trương tìm nơi tránh bão.
Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh cùng lãnh đạo thị xã Đức Phổ kiểm tra neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Sa Huỳnh |
Đến trưa cùng ngày, có 1.846 tàu cá vào bờ, 56 tàu cá ở các vùng biển an toàn và đang về bến. "Đảm bảo an toàn sinh mạng con người là quan trọng nhất nên chúng tôi khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng sẽ không để người canh giữ tàu cá, lồng bè nuôi hải sản...", Bí thư Thị ủy Trần Phước Hiền cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và lãnh đạo thị xã Đức Phổ đến tận nhà gặp gỡ, vận động một số hộ dân khẩn trương di dời. "Chúng tôi cũng nghe phường vận động rồi. Giờ có lãnh đạo tỉnh và thị xã đến nhà nữa thì gia đình chấp hành thôi", ông Đặng Đức Lập, ở tổ dân phố Thạch By 2 nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống bão của TX.Đức Phổ. "Đức Phổ thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan với cơn bão này. Vì cơn bão này diễn biến rất là phức tạp cho nên TX.Đức Phổ cần phải tiếp tục thực hiện các phương án theo kế hoạch đặt ra...", Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo.
• Ngày 27.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại hai huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành.
Tại huyện Tư Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng yêu cầu địa phương khẩn trương di dời hơn 4.390 hộ dân ở các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Điền, Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ đến 14 nhà văn hóa thôn, xã và các trụ sở ủy ban, trường học trên địa bàn các địa phương.
Các lực lượng công an, dân quân tự vệ và các hội đoàn thể nhanh chóng đến nhà các hộ dân khó khăn, vận chuyển và đưa đến nơi an toàn; đồng thời yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn nhất. Đối với các điểm xung yếu thuộc các thôn dọc theo ven sông Vệ qua các xã, cần khẩn trương di dời dân, gia cố nhà ở và bố trí lực lượng túc trực khi bão số 9 đổ bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phạm Ngọc Dũng chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Tư Nghĩa |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh, công tác này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 27.10 để đảm bảo tính mạng cho tất cả các hộ dân.
Tại huyện Nghĩa Hành, tập trung di dời 129 hộ có nguy cơ sạt lở núi ở thôn Khánh Giang, Trường Lệ thuộc xã Hành Tín Đông; đồng thời di dời trên 2.000 hộ dân sống dọc ven sông Phước Giang, Sông Vệ đoạn qua các xã Hành Dũng, Hành Phước, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện về các ủy ban, trường học, nhà chống lũ đã được xây dựng trước đó.
Trước tình hình bão số 9, lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành nêu ra những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, đó là phương tiện cứu hộ, đi lại, thuốc men, nhu yếu phẩm sẽ thiếu nếu ngập lụt kéo dài và gần 500ha cây ăn quả gồm sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh... có nguy cơ bị bão số 9 phá hoại. Sau bão, sẽ diễn ra ngập úng trên diện rộng nên hoa màu của nông dân sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.
Tin, ảnh: Trang Thi- Đình Diệu