(Báo Quảng Ngãi)- Trong hoàn cảnh dịch giã, hơn 31 triệu người lao động đang bị mất việc hoặc phải chịu giảm lương, giảm thu nhập, sống hết sức khó khăn, thì vẫn có những người lao động trẻ không cam chịu thất nghiệp, quyết tìm việc, sẵn sàng làm những công việc chân tay khó nhọc để có thu nhập, dù eo hẹp.
Họ vẫn làm việc trong khi chờ nền kinh tế hồi phục trở lại, chờ những doanh nghiệp, xí nghiệp lớn hoạt động bình thường trở lại đặng có việc làm đúng như chuyên môn và kỹ năng của mình.
Nhiều người trẻ chủ động tìm việc làm mới khi gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: T.L |
Tôi đọc một phóng sự về những người lao động trẻ năng động tìm việc này và rất vui khi nghe họ nhắc tới một từ ngữ đã quen thuộc với tôi từ những năm bao cấp: Thợ đụng. Thợ đụng là đụng việc gì làm việc nấy, không chê việc, không chê thu nhập thấp, miễn đó là những việc lương thiện mình làm được và thu nhập tạm đủ cho mình sống qua thời gian khó nhọc.
Thời điểm dịch Covid-19 đúng là “thời khó nhọc” mà chúng ta dường như chưa lường hết những hậu quả tai hại của nó. Không phải cả nước bị dịch bệnh, nhiều khi trong thành phố chỉ xuất hiện vài ổ dịch, nhưng chỉ cần như thế, nền kinh tế đang vận hành bình thường bỗng nhiên chựng lại, thậm chí đây đó, bỗng dưng tắc nghẽn. Và thất nghiệp trên diện rộng xảy ra.
Những lao động trẻ đang có việc làm ổn định, có thu nhập không cao nhưng tương đối ổn định, bỗng dưng phải ngừng việc. Họ có thể “đánh đường về quê” chờ dịch bệnh qua đi và kinh tế phát triển trở lại, nhưng họ biết, về quê cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có giải pháp nào khác. Vì thế, họ quyết định: Phải năng động tìm việc làm ở ngay thành phố mà mình mất việc. Hoặc ở một địa phương không xa thành phố, để khi mọi việc bình thường trở lại, họ có thể quay lại nơi làm việc cũ, hoặc tìm một việc làm mới ổn định hơn.
Có một nhóm bạn trẻ quê Quảng Ngãi đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh và mất việc. Không cam chịu chờ đợi trong tình cảnh không có thu nhập, họ đã bàn nhau tìm việc ở các tỉnh quanh thành phố này và họ đã tìm được.
Có những lao động trẻ không nề hà làm “thợ đụng”, miễn có việc mình kham nổi và có thu nhập, dù không nhiều. Đa số những việc họ “đụng” đều là việc làm chân tay, có việc nặng có việc vừa, nhưng họ không chê việc. Họ dám thử sức ở những công việc mới và họ đã có việc làm, trong khi chờ “ngày mai trời lại sáng”.
Đó là bản lĩnh của tuổi trẻ, là sự tự tin vào chính bản thân mình của người trẻ. Nếu có càng nhiều những lao động trẻ năng động như vậy, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với tốc độ nhanh hơn. Con người lao động vẫn là nhân tố quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tôi tin, sau thời gian tìm và thử sức mình ở những việc làm mới, sẽ có những lao động trẻ tìm ra được hướng phát triển mới cho bản thân mình, tự phát hiện được những năng lực mới còn tiềm ẩn của mình và sẽ thành công ở những mức độ khác nhau. Đó cũng là hình thức “tự khởi nghiệp” vì đã tự tin.
Chính họ sẽ góp phần tạo ra một nền kinh tế năng động, giỏi thích ứng, không lùi bước, không ỷ lại. Trong một nền kinh tế lớn có vô số những “nhánh” những “điểm” những “cụm” kinh tế nhỏ, và nếu tất cả chúng hoạt động năng động, nền kinh tế lớn sẽ phát triển. Bắt đầu từ những con người lao động, những người lao động trẻ.
Khi con người thực sự tự do, họ sẽ tìm được cách vượt qua trở lực.
Không lùi bước trước khó khăn, năng động tìm việc cho mình, không ỷ lại, nếu thế hệ lao động trẻ hôm nay sống và tìm việc như thế, nền kinh tế sẽ vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Thanh Thảo