Kịch bản cho phát triển đô thị bền vững

10:09, 17/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề thách thức đối với tất cả các quốc gia trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, vấn đề này cũng đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Vậy nên, mục tiêu phát triển bền vững luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư có hạn, công tác quy hoạch chưa có chiều sâu, nên các giải pháp đưa ra chưa theo kịp với những BĐKH ngày càng khốc liệt. Tình trạng nắng nóng kéo dài; mưa, lũ, bão không theo như quy luật trước đây; nhiều sông, suối, cửa biển liên tục thay đổi dòng chảy, sạt lở, bồi lấp ngày càng nghiêm trọng; hiện tượng “ngập lụt” cục bộ trong đô thị và khu vực thị trấn, thị tứ ngày càng phổ biến... đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư ở khu vực trung tâm xã, thị trấn, thị tứ, vùng ven biển, hải đảo...
 
Thực tế ở TP.Quảng Ngãi cho thấy, dù có nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, song vẫn chưa có những kịch bản tối ưu trong việc ứng phó với BĐKH. Không gian xanh trong đô thị chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây được coi là “lá phổi” của cư dân đô thị và là giải pháp ứng phó hiệu quả với hiệu ứng nhà kính. Một số dự án khu đô thị, khu dân cư, chủ đầu tư chỉ chú trọng đến việc phân lô bán đất nền.
 
Cây xanh trong đô thị thì trồng và cắt tỉa không theo quy chuẩn, một số đoạn trên tuyến đường Quang Trung giờ đây đã “sạch bóng cây xanh”; một số vườn hoa mini trở thành “vườn canh tác rau” của người dân, hoặc không được đầu tư chăm sóc nên cây cỏ mọc um tùm... làm mất mỹ quan đô thị. Chưa hình thành được nhiều điểm nhấn như Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
 
Hệ thống thoát nước, hạ tầng giao thông giữa khu đô thị cũ và mới chưa được đầu tư đồng bộ và thiếu sự kết nối, nên không phát huy được hiệu quả, khi có mưa lớn là gây “ngập lụt” cục bộ. Tình trạng này cũng bắt đầu xuất hiện ở trung tâm TX.Đức Phổ, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) và ngay cả khu vực trung tâm của một số xã, thị trấn ở các huyện đồng bằng, miền núi và huyện Lý Sơn. Nguyên nhân là do đô thị hóa quá nhanh, chất lượng quy hoạch thấp, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ...
 
Hiện nay, TP.Quảng Ngãi đang mở rộng đô thị về phía biển, lấy sông Trà Khúc làm điểm nhấn. Các xã ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đang quy hoạch, mở rộng khu dân cư dọc các tuyến đường trong khu vực biển. Đây là hướng đi hợp lý, nhưng cần có kịch bản cho việc ứng phó với BĐKH, vì tình trạng sạt lở ở khu vực này có chiều hướng gia tăng.
 
Phát triển đô thị là hướng đi tất yếu của một xã hội phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển đó không đơn thuần chỉ là kiến trúc, mà cần có sự hài hòa với thiên nhiên. Có như vậy mới đáp ứng được tiêu chí phát triển đô thị bền vững. 
 
 Đức Nguyễn
 

.