(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, thị trường giống cây ăn quả Việt Nam xuất hiện nhiều giống cây nước ngoài. Tôi không biết, khi những giống ngoại lai ấy trồng ở quốc gia bản địa đã cho chất lượng thế nào, ở đây phải tính chất lượng từ độ thơm ngon của quả cây, chứ không tính độ... to của quả.
Nhưng, trong nhiều trường hợp, giống cây ăn quả nước ngoài khi vào Việt Nam lại thể hiện “thế mạnh” của mình ở trọng lượng quả cây, độ to quả cây và gần như quên mất hương vị của quả cây - cái làm nên “thương hiệu cốt lõi” của một loại quả cây nào đó.
Chúng ta biết, nhãn lồng Hưng Yên hay vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) chỉ thực sự thơm ngon khi trồng ở Hưng Yên và Hải Dương, trồng ở nơi khác trên đất Việt Nam vẫn cho quả, nhưng không thơm ngon bằng.
Bưởi Phúc Trạch. Ảnh Internet |
Tôi cũng biết, có một loại khoai sọ tên là khoai Lệ Phố, chỉ trồng ở một vùng tiểu khí hậu ở Cao Bằng là cho củ thơm ngon đặc biệt, trồng nơi khác củ vẫn to, nhưng hương thơm phai nhạt rất nhiều. Ngay loại hạt dẻ Trùng Khánh của Cao Bằng, chỉ những rừng dẻ mọc ở Trùng Khánh, một vùng tiểu khí hậu đặc biệt, là cho hạt dẻ thơm ngon bùi béo vào tháng Chín âm lịch, mọc nơi khác lại không được như vậy.
Ngay một loại cây ăn quả phổ biến và “bình dân” nhất trong nước ta là cây ổi, thì quả ổi đào, ổi sẻ bản địa có mùi thơm quyến rũ, mùi thơm ấy không tìm thấy ở những loại quả ổi giống Đài Loan hay Thái Lan, dù những giống ổi này hiện đang được ưu tiên trồng ở Việt Nam vì cho quả to, vị ngọt.
Thay đổi thung thổ có thể thay đổi cả hương vị quả cây. Đó là điều có thật. Vì thế, những giống cây ăn quả bản địa truyền thống từ bao đời ở nước ta cần được giữ gìn và trồng ở những vùng đất và vùng khí hậu chúng cho quả thơm ngon nhất. Vì khi tính chất lượng quả cây, hãy tính độ thơm ngon là đặc điểm hàng đầu, chứ không phải trọng lượng quả cây.
Tôi không thể quên được hương thơm của những quả ổi đào, ổi sẻ khi chín, dù những quả ổi này khá nhỏ, lại không bắt mắt về hình thức. Nhưng chúng “nhỏ mà có võ”, chúng đặc biệt thơm ngon và hương thơm bình dị ấy có thể nằm sâu trong ký ức người Việt qua rất nhiều thế hệ.
Cần có một chiến lược giữ gìn giống gene quý của những cây ăn quả bản địa và trồng thử nghiệm ở nhiều nơi để chọn được những vùng đất cho kết quả tốt nhất. Thiên nhiên đã ưu đãi cho dải đất hình chữ S của Việt Nam có nhiều vùng khí hậu, vùng tiểu khí hậu khác nhau, đất đai cũng có những đặc điểm khác nhau. Đó là ưu thế khi những giống cây ăn quả bản địa thích hợp với từng vùng đất cho quả thơm ngon đặc biệt nhất. Vì thế, cần đồng hành giữa lai tạo giống mới và chọn lọc tự nhiên để những giống truyền thống không bị lai tạp, giữ nguyên vẹn hương vị từ bao đời của chúng.
Nếu những giống bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch hay bưởi Đoan Hùng chỉ thơm ngon khi được trồng ở những vùng đất ấy, thì nên bảo vệ chúng để có những quả cây đặc sản thực sự. Còn với bưởi Da Xanh, nếu trồng ở nhiều nơi vẫn cho chất lượng tốt thì ta cần nhân rộng chúng.
Quảng Ngãi rất cần phân loại và xác nhận thương hiệu cho những quả cây nào là đặc sản của tỉnh mình và giữ gìn chúng ở những nơi mà chúng cho quả cây có chất lượng thơm ngon nhất. Vì những quả cây bản địa thơm ngon là vốn quý, là tinh hoa của một vùng đất, không thể để mai một.
Và một điều cần hết sức lưu ý, đó là giống cây ăn quả bản địa phải được trồng trên đất sạch và tuyệt đối không phun thuốc và các loại hóa chất độc hại, dù là thuốc “bảo vệ thực vật”. Đúng như ông cha chúng ta thường nói, thì phải “sạch mới thơm”. Kinh nghiệm của những người trồng cây ăn quả đã chứng minh điều này. Vì khi đã thơm và sạch, thì quả cây mới bán được với giá cao. Không thể khác.
THANH THẢO