Bài học từ cầu Thạch Bích

10:09, 17/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần hai năm trước, chính quyền TP.Quảng Ngãi “mất ăn mất ngủ” với chuyện đền bù giải tỏa dự án cầu Thạch Bích vì ở phía bắc cây cầu này, có 4 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng để làm đường dẫn, trong khi cây cầu thì đã xong từ nhiều tháng trước đó.
Những đòi hỏi của một số hộ dân tại phía bắc cây cầu này đã vượt ra ngoài khả năng giải quyết của chính quyền thành phố sau khi họ đã vận dụng đủ cách để làm sao đền bù cho dân một cách tốt nhất có thể và đúng pháp luật quy định. Có đến 20 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và các hộ dân này diễn ra liên tục trong nhiều tháng, nhưng bất thành. Cuối cùng thì chính quyền thành phố buộc phải ra quyết định cưỡng chế. Để cây cầu 600 tỷ đồng phải chờ vài hộ dân đưa ra những yêu sách vượt khả năng đáp ứng của chính quyền là điều khó có thể chấp nhận.
 
Những tưởng điều đó đã vĩnh viễn lùi xa trong quá khứ, thì bây giờ nó lại hiện hữu ở dự án cầu Cửa Đại nơi cuối sông Trà. Cây cầu 2.300 tỷ đồng này đã xong, nhưng lại phải chờ đường dẫn, đúng hơn là chờ 15 hộ dân bàn giao mặt bằng để nhà thi công hoàn thành nốt công đoạn còn lại của dự án. Theo kế hoạch, trong hai ngày 17-18.9 này, chính quyền thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế số hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, nếu từ đây đến đó không đạt được thỏa thuận giữa hai bên.
 
Theo đại diện chủ đầu tư, các cấp chính quyền ở thành phố và tỉnh đã vận dụng tối đa các quy định để làm sao đó bồi thường cho số hộ dân trong diện giải tỏa của dự án một cách cao nhất có thể. Đến nay, phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng đã thỏa thuận nhận đền bù, còn 15 hộ không đồng ý, tiếp tục nêu yêu sách. Tình trạng này lặp lại y chang cầu Thạch Bích cách đây gần 2 năm. Những nỗ lực của nhà thầu chạy đua với thời gian để hoàn thành sớm công trình đã trở nên vô nghĩa vì “cầu vẫn chờ đường dẫn”.
 
Cũng như cầu Thạch Bích, chính quyền TP.Quảng Ngãi cũng đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân trong diện giải tỏa ở hai đầu cầu Cửa Đại, nhưng cuối cùng thì sự đồng thuận hoàn toàn chưa thể xảy ra. Dĩ nhiên, để tìm sự nhất trí hoàn toàn chỉ có trên lý thuyết, nhưng chính quyền các cấp ở tỉnh và chủ đầu tư cũng đã vận dụng mọi cách theo quy định của Nhà nước để đền bù cho số gia đình này rồi nên chỉ còn một cách là cưỡng chế.
 
Nếu dự án phân lô bán nền thì người dân có quyền kỳ kèo để vòi thêm tiền ở nhà đầu tư. Nhưng đây là công trình công cộng, mọi đồng tiền chi ra để đền bù đều phải tuân thủ quy định của Nhà nước. Không một ai có thể vượt qua “giới hạn đỏ” của những quy định đó, nên những đòi hỏi vượt quá thẩm quyền sẽ không thể nào đáp ứng được.
 
Cưỡng chế là điều mà không một chính quyền nào chọn lựa khi giải quyết những bất đồng với dân, nhưng không một chính quyền nào có thể thỏa mãn hết những đòi hỏi vô cùng tận của người dân cả. Bài học từ cầu Thạch Bích vẫn còn nguyên đó.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.